Sức bật mới của ngoại giao phục vụ phát triển

Thứ năm - 02/05/2024 07:50
Ngoại giao đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cả thời chiến và thời bình, trong kháng chiến chống ngoại xâm và trong xây dựng đất nước.

 

ac

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự Hội nghị Ngoại giao

lần thứ 32, ngày 19/12/2023.

 
Ngoại giao Việt Nam với những mốc son chói lọi trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với thắng lợi của việc ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương và Hiệp định Paris năm 1973 buộc Mỹ rút quân, làm thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường, mở đường cho chiến thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước, đem non sông về một dải.
Ngoại giao Việt Nam trong suốt 15 năm tiếp theo đã kiên cường che chắn, xoay chuyển tình thế, giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với các nước lớn và ASEAN, đưa đất nước thoát khỏi thế bị bao vây, cấm vận và cô lập...
 

Chuyển trọng tâm, phục vụ phát triển

Khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ và hội nhập quốc tế, ngoại giao Việt Nam đã nhanh chóng chuyển trọng tâm, coi ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ chính của các cơ quan đại diện ngoại giao và toàn ngành ngoại giao, dồn mọi nguồn lực của mình để đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu.

Cùng với việc mở rộng quan hệ ngoại giao với hàng chục nước và mở thêm nhiều cơ quan đại diện ngoại giao ở trên khắp các châu lục, ngoại giao Việt Nam đã tiên phong mở đường tìm kiếm những thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thu hút khách du lịch nước ngoài và các nguồn đầu tư từ mọi nơi trên thế giới. Với chủ trương hội nhập vào các thể chế kinh tế thế giới, ngành Ngoại giao đã đóng vai trò chủ lực mở đường cho Việt Nam gia nhập ASEAN, APEC và WTO...

Vai trò của ngoại giao kinh tế càng quan trọng hơn khi Việt Nam bước vào giai đoạn tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế những năm đầu thiên niên kỷ mới. Ngoại giao kinh tế đã trở thành một trong bốn trụ cột của ngoại giao Việt Nam bên cạnh ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân. Ngoại giao kinh tế là một chủ trương lớn, được ghi nhận trong Nghị định số 08/2003/NĐ-CP ngày 10/02/2003 của Chính phủ về hoạt động của cơ quan đại diện ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, đẩy mạnh đổi mới toàn diện và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Với phương châm “đột phá - mở đường, tham mưu - thông tin, song hành - hỗ trợ, đôn đốc triển khai”, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan đã triển khai nhiều hoạt động, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Khi đất nước bước vào giai đoạn tăng tốc, phát triển nhanh, mạnh và bền vững hiện nay, ngoại giao kinh tế càng trở nên quan trọng và đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII lần đầu tiên đề ra định hướng “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm”.

Tiếp đó, Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, đã nêu rõ ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.

Sự khẳng định về vai trò quan trọng của ngoại giao đối với phát triển trước hết là nhờ đóng góp thực sự của ngoại giao Việt Nam trong việc tạo dựng một môi trường quan hệ quốc tế rộng mở chưa từng có.

Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Bahamas (1/2023), Trinidad và Tobago (2/2023), Việt Nam đã hoàn tất việc thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, trong đó có ba nước có quan hệ đặc biệt, 7 Đối tác chiến lược toàn diện, 11 Đối tác chiến lược và 12 Đối tác toàn diện. Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Riêng trong hai năm qua, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ và Nhật Bản (2023).

Trong đó, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (10-11/9/2023) và việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững đã đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam là đối tác chiến lược hoặc đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
 

Mở ra nhiều cánh cửa mới

Các mối quan hệ rộng mở, sâu sắc, ổn định và đan xen theo các khuôn khổ khác nhau nói trên đã tạo dựng nên một không gian rộng lớn cho sự phát triển của Việt Nam và mở ra nhiều cánh cửa cho những cơ hội hợp tác giữa nước ta và các nước.
Với chủ trương tạo môi trường thuận lợi và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển, các nhà ngoại giao Việt Nam đã dành những nỗ lực không mệt mỏi, kiên trì và sáng tạo để tìm kiếm và mở cửa thị trường mới, khéo léo vận động từng nhà đầu tư tiềm năng của nước ngoài và quảng bá tiềm năng du lịch của Việt Nam. Những nỗ lực đó chắc chắn đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mốc 700 tỷ USD vào năm 2022; thu hút hơn 35 tỷ USD nguồn vốn FDI vào năm 2023 và 18 triệu khách du lịch nước ngoài vào năm 2019…

Những thành tựu đáng tự hào đó có đóng góp lớn của ngoại giao Việt Nam đã đưa đất nước xếp hạng thứ 32 trong 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực quốc gia... Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các nhà ngoại giao Việt Nam với chiến dịch ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine đã nỗ lực huy động được số lượng lớn vaccine, thiết bị y tế từ bên ngoài, tiết kiệm ngân sách khoảng 900 triệu USD, đóng góp quan trọng và trực tiếp vào thực hiện thắng lợi chiến lược vaccine, tạo cơ sở để nước ta chuyển sang thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Ngành ngoại giao đóng góp tích cực vào đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế, trong đó có 16 FTA đã ký kết và tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với khối EFTA, UAE, MERCOSUR...
 
ac

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trao văn kiện
về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 7/3/2024. Như vậy, Australia trở thành
Đối tác chiến lược toàn diện thứ bảy của Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)
 

Lấy người dân làm trung tâm

Trong thời gian tới, ngoại giao Việt Nam chắc chắn sẽ phải tiếp tục coi ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của mình, động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững, đúng như tinh thần của Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư.
Trong tình hình phức tạp mới của thế giới, các cán bộ ngoại giao cần phải theo dõi, nắm chắc, cập nhật kịp thời, hiệu quả thông tin, tình hình kinh tế thế giới; nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược về kinh tế quốc tế.

Ngoại giao Việt Nam tiếp tục và trực tiếp triển khai nhiệm vụ trọng tâm phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, hỗ trợ các ngành, địa phương và doanh nghiệp khai thác hiệu quả các thị trường quốc tế, tiếp cận các nguồn vốn gắn với công nghệ cao, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị, sản xuất khu vực và toàn cầu.

Bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, hoạt động ngoại giao kinh tế cần phải có chất lượng và hiệu quả hơn, không chỉ khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký, mả còn cần phải chủ động xử lý các vấn đề phức tạp, giảm thiểu tối đa thiệt hại trong quá trình thực hiện các cam kết kinh tế. Tiếp tục đa phương hoá, đa dạng hoá thị trường, đối tác, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác; chủ động, tích cực tham gia và củng cố vững chắc vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí phát triển xanh, phát triển bền vững.

Chọn lựa tham gia các liên kết kinh tế quốc tế cần phù hợp với ưu tiên và lợi ích của đất nước cả về thương mại, đầu tư cũng như du lịch. Đặc biệt, cần quan tâm thu hút các nguồn lực bên ngoài cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, và tham gia hiệu quả vào mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Những kết quả to lớn mà Ngoại giao Việt Nam đạt được trong những năm qua, đặc biệt kể từ sau Đại hội Đảng XIII đã góp phần tiếp tục khẳng định nền đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân văn nhưng quật cường của dân tộc, hoàn toàn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây