Hội nghị này do Bộ KH&CN, tỉnh Bình Định, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, ICISE phối hợp tổ chức, thu hút gần 60 nhà khoa học và các nghị sĩ trẻ đến từ 18 quốc gia trên thế giới tham dự.
Tại đây, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các nghị sĩ trẻ từ Việt Nam, châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi và các vùng khác trên thế giới đã chia sẻ kiến thức, trình bày kết quả nghiên cứu và thảo luận về các vấn đề liên quan đến an ninh và mất an ninh nguồn nước.
Dự lễ khai mạc, về phía trung ương, có ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam; ông Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội và các cơ quan liên quan của trung ương.
Về phía tỉnh Bình Định, có ông Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các cơ quan liên quan của tỉnh.
Về phía các đại biểu nước ngoài có GS Trần Thanh Vân, Giám đốc ICISE; ông Denis Naughten, Chủ tịch Nhóm công tác về Khoa học và công nghệ, Liên minh nghị viện thế giới, cùng sự tham dự của 60 nhà khoa học và các nghị sĩ trẻ đại diện đến từ 18 quốc gia trên thế giới
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu tại Hội thảo, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, trên thế giới, khoảng 1/3 số quốc gia đang bị thiếu nước, dự báo đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.
Ở một số quốc gia, lượng nước bình quân trên đầu người đang giảm đáng kể. Vì vậy, mối quan tâm về nước không phải là vấn đề của riêng một số quốc gia nào mà là vấn đề có tính toàn cầu, trở thành vấn đề an ninh nguồn nước (ANNN), một trong những thách thức an ninh phi truyền thống lớn mà nhân loại phải đối mặt hiện nay, và là chủ đề tại nhiều diễn đàn lớn trên thế giới. Theo ông, Việt Nam cũng đang đứng trước một số thách thức lớn về ANNN. Những thách thức này đang đặt ra bài toán cho Việt Nam và đây cũng là thách thức mà nhiều quốc gia đang gặp phải.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, Hội thảo “Khoa học vì hòa bình” diễn ra hôm nay là sự kiện đầu tiên đánh dấu cho Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên minh Nghị viện thế giới IPU với Trung tâm ICISE chính thức được hiện thực hóa. Đồng thời, cũng là hội thảo có ý nghĩa quan trọng và chất lượng cao về mặt học thuật trong bối cảnh “hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển” đang đối mặt với những thách thức lớn.
Tại sự kiện này, các vấn đề liên quan an ninh và mất an ninh nguồn nước dựa trên các hướng giải quyết từ khoa học để xây dựng hòa bình sẽ được đề cập, phân tích, làm rõ. Sự kiện này cũng góp phần củng cố mối quan hệ giữa cộng đồng khoa học và cộng đồng liên minh các nghị viện nhằm ủng hộ khoa học và hòa bình thế giới.
Ông Hồ Quốc Dũng hy vọng rằng, sau hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ quay trở lại Bình Định, không chỉ để tham dự các cuộc gặp gỡ khoa học mà còn hỗ trợ, giúp đỡ Bình Định phát triển khoa học, giáo dục và các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác để Bình Định thật sự trở thành một điển hình phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ.
Quang cảnh Hội nghị
Ông Mokhtar Omar, Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký Liên minh
Nghị viện thế giới, phát biểu tại hội nghị
Hội nghị lần này là chuỗi bao gồm 9 phiên thảo luận với các chuyên đề chuyên sâu như các chương trình quan sát Trái Đất để giám sát nguồn nước; phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đối với an ninh nguồn nước và hòa bình; đổi mới công nghệ xử lý nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; thúc đẩy an ninh nguồn nước thông qua khoa học cộng đồng; ngoại giao khoa học và khoa học dự đoán.
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp hình lưu niệm