Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế
Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027.
Trả lời phỏng vấn báo TG&VN, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027, bày tỏ niềm hạnh phúc, tự hào khi Việt Nam trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ), đánh dấu hai năm liên tiếp Việt Nam chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong hai cơ quan bổ trợ chính của Đại hội đồng LHQ.
Là người cũng từng trải qua vòng bỏ phiếu đầy cạnh tranh để tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế, Đại sứ hãy chia sẻ cảm xúc của mình khi tên Việt Nam một lần nữa được xướng lên ở cơ quan quan trọng hàng đầu của LHQ như HĐNQ?
Thật sung sướng và tự hào khi tên Việt Nam được Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 Csaba Korosi xướng lên tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) ngày 11/10, thông báo chúng ta trúng cử vào HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Vậy là hai năm liên tiếp Việt Nam chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong Ủy ban Luật pháp quốc tế và HĐNQ LHQ, các cơ quan bổ trợ chính của Đại hội đồng LHQ.
Sự ủng hộ trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt này cho thấy sự tin tưởng Việt Nam của cộng đồng quốc tế, thể hiện vị thế đi lên của đất nước, sự đúng đắn của đường lối đối ngoại mà Đảng và Chính phủ đã vạch ra. Đây cũng là phần thưởng xứng đáng cho các cán bộ ngoại giao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ của Vụ các Tổ chức quốc tế, Phái đoàn Việt Nam tại New York và Geneva (Thụy Sỹ) đã cố gắng vượt qua mọi trở ngại để đi đến thắng lợi hôm nay.
Theo Đại sứ, vì sao Việt Nam nhận được nhiều sự ủng hộ như vậy để vào HĐNQ - cơ quan quan trọng của LHQ?
Thành công lần này rất ý nghĩa vì sự cạnh tranh trong nhóm châu Á-Thái Bình Dương cao hơn hẳn các khu vực khác. Các nước phải lựa chọn 4 trong 7 ứng viên của nhóm châu Á-Thái Bình Dương. Dù 1 nước sau đó đã rút lui nhưng tính cạnh tranh vẫn lớn.
Cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra vào thời điểm thế giới đang chịu những biến đổi sâu sắc của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và xung đột Nga-Ukraine. Cạnh tranh gắt gao là thế, song thực tế chứng tỏ chính đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, tôn trọng chủ quyền quốc gia và các nguyên tắc của luật quốc tế của Việt Nam đã thuyết phục được các nước có quan điểm trái ngược nhau trong nhiều vấn đề của thế giới, để họ vẫn tin tưởng và chọn bỏ phiếu cho Việt Nam. Đồng thời, thực tế này cũng bác bỏ mọi nghi kỵ, hiểu chưa đúng hay cố tình xuyên tạc về các thành quả bảo vệ quyền con người của Việt Nam.
Trước hết, các nước bỏ phiếu cho Việt Nam vì nhìn thấy Việt Nam là một tấm gương vượt khó, thực hiện tốt nhất mục tiêu thiên niên kỷ xoá đói giảm nghèo của LHQ. Tỷ lệ nghèo của Việt Nam đã giảm xuống còn 2,23% vào năm 2021 so với thập kỷ 1995-2005. Báo cáo chỉ số phát triển con người của LHQ đã xếp Việt Nam 115/191 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm trước.
Theo Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP), phát triển con người là tạo ra một môi trường trong đó mọi người có thể phát triển đầy đủ tiềm năng của họ và dẫn đầu cuộc sống sáng tạo, hiệu quả phù hợp với nhu cầu và sở thích của họ. Việc nâng cấp chỉ số phát triển con người cho thấy Việt Nam luôn chăm lo, coi con người là trung tâm, là động lực của phát triển, là sự giàu có thực sự của quốc gia.
Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) xếp Việt Nam 8/121 quốc gia và vùng lãnh thổ có tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19 cao nhất trên thế giới, cao hơn rất nhiều so với Malaysia hay Thái Lan cùng khu vực. Mức tăng trưởng toàn thế giới, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2022 là 3,2% trong khi dự báo tăng trưởng của Việt Nam, theo các tổ chức quốc tế, là 6,5%-7%.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng luôn quan tâm, chăm lo cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương như phụ nữ, người già, trẻ em, người khuyết tật...
Thứ hai, các nước bỏ phiếu cho Việt Nam vì nhìn thấy ở Việt Nam khả năng dẫn dắt hợp tác, là đối tác tin cậy trong hoạn nạn, trong thời chiến cũng như thời bình.
Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam vừa làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong nước, vừa chủ động đưa ra các sáng kiến thúc đẩy hợp tác đẩy lùi dịch bệnh và khôi phục chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ ASEAN về ứng phó dịch Covid-19. Là Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến lấy ngày 27/12 hàng năm làm Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh.
Thành viên Việt Nam tại Ủy ban Luật quốc tế LHQ đã cũng các thành viên khác tích cực tham gia cùng Tổ WHO trong hình thành sáng kiến và xây dựng một Hiệp ước quốc tế về phòng chống đại dịch, thúc đẩy vai trò trung tâm của Luật quốc tế trong hợp tác toàn cầu.
Thành công của cuộc bỏ phiếu lần này cho thấy Việt Nam có một lộ trình rõ ràng, chuẩn bị chu đáo
và chiến lược vận động bầu cử hiệu quả. (Nguồn: Phái đoàn VN tại LHQ)
Thứ ba, các nước nhìn thấy ở Việt Nam sự chân thành và nghiêm túc, đối thoại thẳng thắn với các nước tại các chu kỳ Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của HĐNQ. Qua đó, Việt Nam vừa bảo vệ các giá trị phổ quát về quyền con người ghi nhận trong Hiến chương LHQ và các bộ Luật về quyền con người, vừa nhấn mạnh sự coi trọng các khác biệt giữa các nước về kinh tế, văn hoá, lịch sử, tôn giáo trong thực thi. Trong chu kỳ III rà soát UPR, Việt Nam chấp nhận 241/291 khuyến nghị và nghiêm túc thực hiện.
Thứ tư, thành công của cuộc bỏ phiếu lần này còn cho thấy Việt Nam có một lộ trình rõ ràng, chuẩn bị chu đáo và chiến lược vận động bầu cử hiệu quả.
Lần tham gia HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016 diễn ra sau 5 năm Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực tại HĐBA. Lần này trước khi kết thúc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực tại HĐBA, từ năm ngoái, Việt Nam đã khởi động chiến dịch chuẩn bị ứng cử và bầu cử vào HĐNQ.
Việt Nam đã kết hợp vận động ở các diễn đàn khác nhau, tranh thủ được ủng hộ tuyệt đối của ASEAN và Cộng đồng Pháp ngữ, cũng như Hội nghị Tổ chức tư vấn pháp lý Á-Phi (AALCO).
Nhiều sáng kiến vận động đã được đưa ra như đồng tổ chức cùng Bangladesh và Philippines phiên thảo luận chuyên đề về đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em tại Khoá họp lần thứ 50 của HĐNQ. Đây là cơ sở để HĐNQ thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào quyền lương thực và biến đổi khí hậu, được thông qua ngày 8/7/2022.
Trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 50 của HĐNQ, Việt Nam đã tổ chức “Triển lãm ảnh về các cộng đồng dân tộc và tôn giáo tại Việt Nam: Hòa hợp trong Đa dạng” tại trụ sở LHQ ở Geneva vào ngày 28/7/2022 đúng vào Ngày Gia đình Việt Nam.
Thông điệp mà Việt Nam mang đến HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Bảo đảm tất cả các quyền cho tất cả mọi người”. Đại sứ có nhận định gì về tôn chỉ này và quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế để tăng cường hiệu quả hoạt động của HĐNQ trong nhiệm kỳ tới?
Tôn chỉ này nhấn mạnh xu thế bất biến của nhân loại là tăng cường đối thoại và hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu. Tôn chỉ bảo đảm tất cả các quyền cho tất cả mọi người là thể hiện sự kết hợp của điều 55 và điều 56 Hiến chương LHQ, theo đó các quốc gia thành viên LHQ có nghĩa vụ thúc đẩy các quyền con người và các quyền tự do cơ bản “mà không phân biệt trên cơ sở chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo”.
Đây sẽ là kim chỉ nam cho các hoạt động của Việt Nam trong nhiệm kỳ 2023-2025. Trước hết Việt Nam sẽ làm tốt trách nhiệm thành viên của cơ quan giám sát thực hiện nhân quyền của LHQ, nghiêm túc thực hiện và vận động các nước thực hiện cơ chế UPR chu kỳ IV.
Việt Nam cần tiếp tục thể hiện là một thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của HĐNQ, đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người, đóng góp tích cực vào các hoạt động của LHQ trên cả ba trụ cột hòa bình - an ninh, phát triển và quyền con người.
Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác để đạt được các ưu tiên đề ra, nhất là bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đại dịch, xung đột vũ trang, chống sử dụng vũ khí hạt nhân…
Đối thoại và hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau là chìa khoá thúc đẩy quyền con người, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tại “Triển lãm ảnh về các cộng đồng dân tộc và tôn giáo tại Việt Nam:
Hòa hợp trong Đa dạng” tại trụ sở LHQ ở Geneva, Thụy Sỹ, hồi tháng 7. (Ảnh: NVCC)