Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc: Xây dựng quan hệ bền chặt, trở thành nhân tố 'bất biến' để cùng vượt qua những 'vạn biến' phức tạp

Thứ hai - 31/10/2022 07:33
Nhận chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc đã có những nhận định về tầm quan trọng của chuyến thăm và những kỳ vọng về sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
 
c
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong chuyến thăm
Việt Nam của ông Tập Cận Bình
vào tháng 11/2017. (Nguồn: VOV.VN)

Xin Đại sứ đánh giá về tầm quan trọng chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10-1/11. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển quan hệ của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Thể hiện ở một số điểm nổi bật như sau:

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm then chốt, với nhiều sự kiện chính trị lớn của hai Đảng, nhà nước. Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa tổ chức thành công Đại hội XX đề ra nhiệm vụ xây dựng cường quốc hiện đại xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm: Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
 
a
Đại sứ Nguyễn Văn Thơ, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao,
nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. (Nguồn: VGP)
Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội Đảng lần thứ XIII. Do đó, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với việc đề ra định hướng chiến lược quan hệ hai Đảng, nhà nước trong thời gian tới. Đồng thời thể hiện sự coi trọng cao độ của Việt Nam với việc phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, cũng như mối quan hệ của hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước.

Đây là dịp để lãnh đạo hai nước bàn bạc về các biện pháp đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên một tầm cao mới, ổn định, lành mạnh, bền vững hơn.

Tôi tin chắc rằng nội dung trao đổi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc sẽ rất phong phú và thực chất, tương xứng với giai đoạn phát triển mới, đáp ứng lợi ích căn bản, lâu dài của hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai bên, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, rất khó lường và chưa từng có. Do đó, đây cũng sẽ là dịp để lãnh đạo hai nước cùng nhau trao đổi, xác lập nhận thức chung, xây dựng quan hệ song phương bền chặt-trở thành nhân tố “bất biến” để đưa hai nước vượt qua những “vạn biến” phức tạp của tình hình.

Trong điện mừng gửi Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhân dịp ông Tập Cận Bình tái đắc cử chức Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tiếp tục nỗ lực “đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên một tầm cao mới, ổn định, lành mạnh, bền vững, đáp ứng lợi ích căn bản, lâu dài của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới”, xin Đại sứ nhận định về những định hướng lớn trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc?

Thời gian qua, có thể nói quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân hai bên xây dựng đạt nhiều thành quả quan trọng, ngày càng phát triển mạnh mẽ theo phương châm “16 chữ” với tinh thần “4 tốt”.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Hai bên thường xuyên thắt chặt quan hệ chính trị thông qua chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Quan hệ quốc phòng-an ninh, văn hóa-xã hội, giao lưu nhân dân đều được chú trọng và có bước phát triển dài.

Từ góc nhìn cá nhân, tôi kỳ vọng với cố gắng và nỗ lực của cả hai bên, trong thời gian tới, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển hướng tới 3 cái “hơn”, đó là: tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác thiết thực và hiệu quả hơn; nền tảng hữu nghị vững chắc hơn.

Tin cậy chính trị cao hơn thể hiện qua việc hai bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, nhất là lãnh đạo cấp cao. Thực tế cho thấy giao lưu, tiếp xúc cấp cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không thể thay thế nhằm định hướng quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định. Qua giao lưu và gặp gỡ cấp cao, chúng ta khẳng định rõ đường lối đối ngoại, độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ với Trung Quốc, bày tỏ thiện chí và mong muốn đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển lên tầm cao mới, bền vững, ổn định hơn. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này chính là một hoạt động rất quan trọng để củng cố và nâng cao tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước.
 

Hợp tác thiết thực hơn thể hiện qua việc hai bên cùng nỗ lực đưa quan hệ phát triển sâu rộng hơn, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt thực chất và hiệu quả hơn để mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.


Trước mắt, tôi cho rằng, việc cần thiết trong hợp tác kinh tế là tạo điều kiện thuận lợi hóa thương mại, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam, đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cân bằng hơn; khôi phục toàn diện hoạt động các cửa khẩu biên giới trên cơ sở bảo đảm phòng chống dịch, tiến tới mở rộng hơn nữa giao dịch hàng hóa qua đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không.

Nâng cao chất lượng của hợp tác kinh tế đầu tư; làm sao các dự án đầu tư của Trung Quốc và Việt Nam có quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn, xanh hơn, tương xứng với tiềm năng của Trung Quốc, tương xứng với quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Hai bên sớm khôi phục hoạt động đi lại của người dân, tạo điều kiện cho hợp tác du lịch.
 
Nền tảng hữu nghị vững chắc hơn thể hiện qua việc hai bên tăng cường giao lưu nhân dân, định hướng dư luận về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và xây dựng nền tảng xã hội thuận lợi hơn cho phát triển hợp tác quan hệ hữu nghị.
ac
Việt Nam-Trung Quốc: Duy trì đà phát triển
ổn định và tích cực. (Nguồn: TG&VN)

Kết lại, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: “Trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình/Tình thân hữu nghị quang vinh muôn đời”. Với sự nỗ lực của hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước, tôi tin rằng quan hệ Việt Nam-Trung Quốc sẽ phát triển tích cực hơn nữa, sâu sắc hơn nữa, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực trên thế giới.

Thưa Đại sứ, Trung Quốc vừa là nước láng giềng lớn, vừa là nước Xã hội chủ nghĩa và là đối tác quan trọng của Việt Nam. Sự phát triển của quan hệ song phương có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi nước cũng như quan hệ Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa như thế nào đối với khu vực?


Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc “như môi với răng, môi hở thì răng lạnh”. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950, hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.

Đảng, Nhà nước Việt Nam đánh giá cao và không bao giờ quên điều đó. Việt Nam luôn hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc, coi đây là sự lựa chọn chiến lược, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Và theo tôi, Trung Quốc cũng hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam. Chúng ta còn nhớ, ngay sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã chọn Việt Nam làm nơi thăm chính thức đầu tiên.

Tầm quan trọng của sự phát triển bền vững trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc còn thể hiện ở những mặt rất cụ thể: Đó là sự tương đồng về thể chế chính trị-cùng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng tiến hành công cuộc Đổi mới, cải cách mở cửa thành công, sự gắn kết của hai nền kinh tế, sự gần gũi về văn hóa. Đây cũng là những yếu tố quan trọng, mang tính nền tảng để hai bên đưa quan hệ vào chiều sâu, đáp ứng được lợi ích và cũng là mong mỏi thiết tha của nhân dân hai nước.

Trên bình diện khu vực và quốc tế, có thể thấy nếu quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh sẽ là nhân tố tích cực đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Tôi tin tưởng rằng lãnh đạo và nhân dân hai nước đều hết sức chia sẻ và vun đắp cho nhận thức chung - đó là bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

Quan điểm chung này là nền tảng quan trọng để hai nước phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, cùng nhau thể hiện vai trò tích cực đối với hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Đồng thời, quan điểm này cũng đã tạo điều kiện để giải quyết những vấn đề còn tồn tại của hai bên. Trong bối cảnh xung đột đang bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là giữa những nước có chung đường biên giới, việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, bền vững là hết sức có ý nghĩa với môi trường quốc tế hiện nay.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây