Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính.

Thứ năm - 05/08/2021 14:26
Nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ tỉnh về CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh.

Ngày 31/12/2020, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 95/KH-UBND về kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 trên địa bàn tỉnh, trong đó đề ra các chỉ tiêu, giải pháp gắn với 31 nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực của công tác CCHC. Liên quan đến việc giải quyết các TTHC thuộc lĩnh vực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, Kế hoạch CCHC năm 2021 của tỉnh nêu rõ các chỉ tiêu cần phải đạt được trong năm 2021 như sau: (1) Cắt giảm thời gian giải quyết, kiến nghị đơn giản hóa quy trình thực hiện, thành phần hồ sơ của ít nhất 20% TTHC có phát sinh hồ sơ giao dịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của sở, ban, ngành; ưu tiên các thủ tục hành chính có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; (2) Phấn đấu đạt tỷ lệ 80% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương được đưa ra tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa các cấp; (3) Thí điểm mô hình “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính) tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện; (4) Phấn đấu đạt tỷ lệ 60% thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ giao dịch được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; (5) Phấn đấu đạt tỷ lệ 10% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 4; tối thiểu 30% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch CCHC nói trên, đặc biệt là các nội dung công việc liên quan đến cải cách TTHC, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó yêu cầu việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ CCHC tại các đơn vị; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra CCHC, tăng cường công tác kiểm tra đột xuất; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và bình xét thi đua, khen thưởng.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân trong việc sử dụng các dịch vụ công do cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh cung cấp, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch TTHC tại một địa điểm duy nhất thông qua Bộ phận Một cửa. Bộ phận Một cửa có chức năng là đầu mối tập trung hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ TTHC và chuyển hồ sơ TTHC đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. (Ở cấp tỉnh, Bộ phận Một cửa được gọi là Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Bộ phận Một cửa cấp xã thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã). Kể từ khi áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông, công tác giải quyết TTHC tại tỉnh đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Điểm nổi bật của Quy chế này là quy trình giải quyết TTHC thông qua cơ chế một cửa liên thông. Cơ chế một cửa liên thông là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong quy trình giải quyết, xử lý hồ sơ; không để tổ chức, công dân cầm hồ sơ đi từ cơ quan này tới cơ quan khác. Người dân có nhu cầu chỉ cần nộp hồ sơ và nhận lại kết quả tại một đầu mối là Bộ phận một cửa. Những cải cách này đã giúp cho cơ quan hành chính nhà nước phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của tổ chức và công dân. Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã góp phần tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ hành chính cũng như tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
 
DSCN3467
Quang cảnh làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Không chỉ dừng lại ở việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các TTHC, UBND tỉnh cũng đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các dịch vụ công nhằm hướng tới mục tiêu, yêu cầu hiện đại hóa hành chính một cách hiệu quả. Theo đó, UBND tỉnh đã ban Quy chế hoạt động Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bình Định, trong đó quy định cụ thể về quy trình thực hiện TTHC trên Cổng Dịch vụ công và xử lý hồ sơ điện tử trên hệ thống một cửa điện tử. Cổng Dịch vụ công tỉnh Bình Định (được tích hợp với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh) thực hiện các chức năng cung cấp thông tin về thủ tục hành chính, thông tin về dịch vụ công trực tuyến; tình hình giải quyết, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức trực tuyến trên môi trường mạng; tiếp nhận, xử lý, công khai kết quả trả lời câu hỏi, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân. Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bình Định là hệ thống thông tin nội bộ của tỉnh, có chức năng hỗ trợ việc tiếp nhận, giải quyết, theo dõi tình hình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC của cơ quan có thẩm quyền trên môi trường mạng.

Việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình CCHC và triển khai Chính phủ điện tử. Sử dụng Dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền, hách dịch; tăng tính công khai, minh mạch của TTHC; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ TTHC, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.  Ngoài ra, việc gửi hồ sơ qua Dịch vụ công trực tuyến giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Nếu trước đây, muốn đăng ký TTHC phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ thì hiện nay, với phương thức Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, mọi việc liên quan đến TTHC, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị; đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ. Vì vậy, khi tham gia sử dụng Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 các tổ chức, cá nhân sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian cũng như  chi phí đi lại.

Hiện nay, công tác CCHC không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần của cơ quan, đơn vị hoặc chính quyền địa phương mà là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính nhà nước với mục tiêu phấn đấu xây dựng nền hành chính quốc gia ngày càng văn minh, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và vì sự phát triển phồn vinh của đất nước. Do đó, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh, kịp thời ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể để các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ triển khai thực hiện, nhằm từng bước đẩy mạnh công tác CCHC, mà trọng tâm là cải cách TTHC và nâng cao chất lượng dịch vụ công để góp phần nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh, đem lại sự hài lòng của người dân và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Tác giả bài viết: Thu Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây