Công tác người Việt Nam ở nước ngoài – Những dấu ấn đậm nét

Thứ hai - 30/01/2023 14:51
Năm 2022 là năm bản lề trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra; đồng thời, cũng có thể coi là năm đầu tiên triển khai Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới và Nghị quyết 169-NQ/CP của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác NVNONN giai đoạn 2021 – 2026. Công tác NVNONN trong năm qua đã tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả, ghi nhiều dấu ấn đậm nét.
ac
Đoàn kiều bào thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa
và Nhà giàn DK1. (Ảnh: TL)

Năm 2022 – năm mang nhiều dấu ấn trong công tác NVNONN
Năm 2022 là năm bản lề trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra; đồng thời, cũng có thể coi là năm đầu tiên triển khai Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới (Kết luận 12) và Nghị quyết 169-NQ/CP của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác NVNONN giai đoạn 2021 – 2026 (Nghị quyết 169).

Trong năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai mọi mặt công tác, tạo được sự chuyển biến trên nhiều mặt. Một trong những dấu ấn quan trọng nhất đạt được trong năm qua là tăng cường sự gắn bó giữa kiều bào với quê hương, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Công tác nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị chính sách được chú trọng, bám sát với tình hình mới, đạt những kết quả nổi bật.
Tháng 6/2022, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai Kết luận 12 và Nghị quyết 169 với sự tham dự của đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, cơ quan, tổ chức trong nước; các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài… Hội nghị nhằm tăng cường nhận thức và tạo sự thống nhất về hành động giữa các cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia công tác NVNONN, quán triệt sâu rộng tới các địa phương trên cả nước, bảo đảm tổ chức thực hiện hiệu quả công tác trong tình hình mới.
ac
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN
 Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Lễ phát động Ngày Tôn vinh
tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. (Ảnh: Khánh Linh)
 
Tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023 – 2030, nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào và bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ; thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng.

Nhằm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Ngoại giao đã xây dựng, hoàn thiện các chương trình về tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực của kiều bào trong tình hình mới, chăm lo cho kiều bào ở các địa bàn khó khăn như củng cố địa vị pháp lý, hỗ trợ năng lực hội nhập vào xã hội sở tại.

Công tác đại đoàn kết, vận động, thu hút nguồn lực kiều bào tiếp tục được chú trọng; nhờ đó, ngày càng nhiều kiều bào tham gia đóng góp nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm” cho đất nước.

Trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức, thăm cấp nhà nước của lãnh đạo cấp cao, bà con ta có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo cấp cao về tình hình đất nước, tình hình cộng đồng, cũng như những tâm tư, nguyện vọng của mình. Những buổi gặp gỡ này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với đồng bào sống xa Tổ quốc, là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với bà con.
Năm vừa qua, Bộ Ngoại giao tiếp tục tổ chức các chương trình thường niên dành cho kiều bào như: Xuân Quê hương (1/2022), Lễ Giỗ tổ Hùng Vương (4/2022), đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 (5/2022), Trại hè Việt Nam (7/2022)… Từ nhiều năm nay, những chương trình này đã trở thành “thương hiệu”, thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của đông đảo kiều bào, trong đó có thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần khơi dậy mạnh mẽ và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, nâng cao tình cảm và trách nhiệm của kiều bào đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các hoạt động kết nối, thu hút nguồn lực kiều bào tích cực được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, gia tăng về số lượng, mở rộng về quy mô, góp phần tăng cường củng cố niềm tin và tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy trao đổi hợp tác với trong nước. Bộ Ngoại giao tích cực hỗ trợ các hội, nhóm kiều bào tổ chức các hoạt động tại Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác với trong nước, đóng góp ý kiến cho các vấn đề trong nước quan tâm.
Công tác hỗ trợ cộng đồng NVNONN được triển khai tích cực, kịp thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho bà con ta ở nước ngoài.

Nhờ sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ở trong và ngoài nước, cùng sự tham gia đóng góp tích cực của các hội đoàn, doanh nghiệp và cá nhân người Việt, công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến sự đã đạt được những kết quả quan trọng. Đối với việc hỗ trợ cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác hỗ trợ bà con di dời, tái định cư gắn với chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo sinh kế lâu dài, hòa nhập với xã hội sở tại.

Bộ Ngoại giao tích cực tổng hợp các ý kiến phản hồi của cộng đồng kiều bào về các văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực như quốc tịch, hộ tịch, nhà ở - đất đai, đầu tư, lao động…, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về các quy định pháp lý liên quan. Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, điều chỉnh các quy định pháp luật để bảo đảm tốt hơn quyền lợi của bà con khi về nước thăm thân, đầu tư, kinh doanh. Hiện nay, các cơ quan trong nước đang tập trung sửa đổi Luật Đất đai và Luật Quốc tịch, hai lĩnh vực có liên quan đến quyền lợi của bà con và được cộng đồng rất quan tâm…

Có thể thấy rõ rằng trong năm vừa qua, công tác đối ngoại của Việt Nam tiếp tục được triển khai đồng bộ, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trên tất cả các mặt trận, qua đó có đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Và đóng góp vào thành tựu đối ngoại chung đó, công tác NVNONN, một trong bốn trọng tâm của ngành ngoại giao, tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, toàn diện.
 
ac
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng
người Việt Nam tại Hà Lan. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Củng cố và thúc đẩy sự đóng góp quan trọng của cộng đồng NVNONN đối với đất nước
Phát biểu nhân dịp tham dự Chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân Quê hương 2023” với chủ đề: “Đất nước niềm tin và khát vọng” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức tối 14/1/2023 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ khẳng định: “Những thành tựu quan trọng mà đất nước ta đạt được ngày hôm nay có sự đóng góp vô cùng quý báu của đồng bào ta ở nước ngoài. Kiều bào ta ngày càng đồng thuận, ủng hộ sự nghiệp đổi mới và sẵn sàng chung vai gánh vác những trọng trách của đất nước, góp phần từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu quan trọng mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra”.

Có thể thấy rõ rằng kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cả về nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm”.
Về nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo: Theo ước tính, số lượng NVNONN có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10 – 12% trong cộng đồng. Nhiều kiều bào có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, là các chuyên gia, trí thức được trọng dụng ở sở tại, hiện đang làm việc, giảng dạy trong các lĩnh vực y dược, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng, quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng, tổ chức quốc tế... Những năm qua, nhiều trí thức thành danh, đạt giải thưởng cao, ghi dấu ấn trí tuệ của Việt Nam trên trường quốc tế. Trí thức NVNONN hợp tác ngày càng thường xuyên với các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước, trong các hoạt động nghiên cứu phát triển R&D, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ vào các lĩnh vực đời sống, làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

Về nguồn lực kinh tế, tính đến tháng 10/2022, kiều bào đã có 385 dự án đầu tư FDI tại 42/63 tỉnh, thành ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Ngoài ra, kiều bào còn về nước đầu tư theo các hình thức gián tiếp khác, hoặc theo hình thức đầu tư trong nước. Hoạt động đầu tư, kinh doanh của NVNONN có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong nước. Lượng kiều hối của NVNONN gửi về nước tính từ năm 1993 đến hết năm 2022 đạt gần 200 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng khoảng thời gian. Kiều hối về Việt Nam đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

NVNONN đã và đang phát huy vai trò cầu nối, liên kết thúc đẩy giao thương, tuyên truyền quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia của Việt Nam trên thị trường quốc tế. NVNONN cũng là nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch, hàng không, với khoảng 700 nghìn đến 1 triệu lượt kiều bào về nước mỗi năm, tương đương với lượng du khách Nhật Bản, thị trường khách du lịch lớn thứ 3 của Việt Nam.

Về nguồn lực “mềm” và vai trò “cầu nối”, thời gian qua, vai trò và vị thế của cộng đồng NVNONN ngày càng được nâng cao; bà con phát huy vai trò quảng bá văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ, hình ảnh đất nước, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Năm 2022, lãnh đạo một số nước đã gửi lời chúc mừng năm mới đến cộng đồng bằng tiếng Việt, thể hiện sự coi trọng của chính quyền sở tại đối với vai trò của cộng đồng người Việt. Trước sự phát triển của cộng đồng người Việt, tại một số nước như: Hàn Quốc, Séc, Slovakia,… đã cho phép giảng dạy tiếng Việt như ngoại ngữ thứ hai, góp phần duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa, tiếng Việt trong xã hội sở tại.

Cộng đồng NVNONN tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương, đồng hành và sẵn sàng ủng hộ trong nước. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, bên cạnh hơn 80 tỷ đồng tiền mặt và nhiều vật phẩm y tế trị giá hàng chục triệu USD được bà con ủng hộ về trong nước, cộng đồng NVNONN còn phối hợp với các CQĐD triển khai ngoại giao vắc-xin, vận động các nước sở tại hỗ trợ vắc-xin, vật phẩm y tế cho trong nước.
 
ac
Chương trình“Xuân Quê hương 2023” với chủ đề “Đất nước niềm tin
và khát vọng” thể hiện niềm tin, niềm tự hào và khát vọng của nhân dân
 trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài vì tương lai tươi sáng
 của đất nước, đồng thời hưởng ứng tinh thần khát vọng hùng cường
 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. (Ảnh: Thế Dương)

Triển khai mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa công tác NVNONN
Trong năm 2022 vừa qua, có thể khẳng định công tác NVNONN đã được triển khai toàn diện và mạnh mẽ theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Trong thời gian tới, công tác NVNONN sẽ cần được triển khai mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Kết luận 12 của Bộ Chính trị, nhằm thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào hướng về quê hương nhiều hơn nữa.

Như chia sẻ tại buổi gặp mặt kiều bào tham dự Chương trình Xuân Quê hương năm 2023 chiều 14/1/2023 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói về quyết tâm của Chính phủ phấn đấu thực hiện mục tiêu “Đường về quê gần hơn”. Đến nay, khi đường về quê của bà con đã không còn xa, Chính phủ hướng tới mục tiêu “Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam”. Để thực hiện tốt hơn mục tiêu này, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong những năm gần đây, một số doanh nhân Việt Nam đã có xu hướng đầu tư ra nước ngoài. Điều này thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn của người Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, cần chú trọng đến việc giáo dục, đào tạo để các thế hệ sau hiểu hơn về đất nước, lịch sử, văn hóa, truyền thống và con người Việt Nam. Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ thấu hiểu tấm lòng, ước nguyện của bà con. Vì vậy, về những ý kiến, kiến nghị của bà con với tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm, Chính phủ sẽ tiếp thu, quan tâm, xem xét giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nếu vượt thẩm quyền. Trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp, khó lường nhưng Thủ tướng tin tưởng, người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; chung sức, đồng lòng, kề vai, sát cánh, cùng nhau thực hiện thành công các mục tiêu phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, năm 2023, ngành Ngoại giao bước sang một giai đoạn mới với tâm thế và khí thế mới, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động. Toàn ngành Ngoại giao phát huy cao nhất trách nhiệm, tinh thần phụng sự Đảng, Tổ quốc và phục vụ nhân dân, trong đó có cộng đồng NVNONN. “Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng ta, kiều bào là máu thịt, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, ngành Ngoại giao cùng các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chăm lo, hỗ trợ kiều bào. Các cơ quan đại diện phải thực sự là những chỗ dựa tin cậy, mái nhà chung thắm tình nghĩa đồng bào của bà con ta ở nước ngoài” – Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Trong năm 2023 và những năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục phức tạp và tác động nhiều mặt tới môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta, tạo ra thuận lợi và thách thức đan xen. Việt Nam bước vào thời kỳ chiến lược mới (2021 – 2030) với yêu cầu cao hơn về phát triển và hội nhập. Trong điều kiện đó, chắc chắn rằng công tác về NVNONN cần tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc hơn nữa. Hy vọng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm của các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người dân Việt Nam cả ở trong và ngoài nước, công tác về NVNONN sẽ tiếp tục ghi nhiều dấu ấn mới, đậm nét, để kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, luôn là nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây