Chiều ngày 29/5/2023, tại Trường Đại học Quy Nhơn (ĐHQN) tổ chức sự kiện khởi động Chương trình hợp tác thể chế đại học (Institutional University Cooperation - IUC) với Trường Đại học Quy Nhơn, giai đoạn 1 (2022-2027). Tham dự sự kiện có ngài Karl Van den Bosche - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, đồng chí Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Ngoại vụ cùng đại biểu đến từ Chương trình hợp tác thể chế đại học (IUC). Chương trình IUC của Trường ĐHQN do Ban Hợp tác phát triển đại học - Hội đồng liên đại học vùng Flanders (VLIR-UOS) viện trợ không hoàn lại cho Trường thông qua Đại học KU Leuven, Vương quốc Bỉ.
Các đại biểu dự Sự kiện cùng chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: Chương trình IUC là chương trình hợp tác sâu rộng nhất giữa các trường ĐH vùng Flanders của Vương quốc Bỉ và một trường đại học đối tác ở một nước đang phát triển nhằm nâng cao năng lực, đóng góp hiệu quả nhất vào sự phát triển bền vững dựa trên kinh tế tri thức của địa phương. Tháng 1/2021, Trường ĐHQN là trường duy nhất ở châu Á được lựa chọn để thực hiện chương trình IUC. Chương trình IUC của Trường có sự tham gia học thuật của 4 trường đại học của Bỉ là Leuven, Hasselt, Ghent, Antwerp và 2 trường cao đẳng gồm HOGent và VIVES.
Chương trình có mục đích kép là cải thiện bền vững sinh kế cùng điều kiện sống của cư dân vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu của Trường ĐHQN trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, môi trường và năng lượng tái tạo. Chương trình IUC của Trường ĐHQN, gồm 2 giai đoạn chính: giai đoạn 1 (2022 – 2027) và giai đoạn 2 (2027 - 2032), được triển khai qua 7 dự án, trong đó có 05 dự án nghiên cứu nhằm cải thiện sinh kế người dân và 02 dự án nhằm nâng cao năng lực của Trường Đại học Quy Nhơn. Cụ thể: Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ sớm nhằm nâng cao khả năng thích ứng của chính quyền địa phương và cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Ứng dụng vật liệu nano và giải pháp kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu suất của hệ thống sây khô dùng năng lượng mặt trời và hệ thống sản xuất khí sinh học; Nâng cao chất lượng và an toàn của bơ và sầu riêng bằng các giải pháp canh tác hiệu quả, bền vững; Nghiên cứu bảo quản sau thu hoạch bằng cách sử dụng các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học để nâng cao giá trị trái cây địa phương; Thiết lập các mô hình đánh giá và quản lý rủi ro cho chuỗi cung ứng trái thanh long ở Bình Thuận và trái táo ở Ninh Thuận; Nâng cao năng lực Trường ĐHQN trong cung cấp dịch vụ điện tử cho sinh viên, e-learning và thư viện; Xây dựng hệ thống quản lý chất thải bền vững tại Trường ĐHQN.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang khẳng định Khoa học và công nghệ luôn được tỉnh Bình Định dành sự quan tâm đặc biệt; đồng thời, chúc mừng Trường ĐHQN là một trong 05 trường đại học trên toàn thế giới được lựa chọn để triển khai chương trình IUC 10 năm (2022 - 2032) do tổ chức VLIR-UOS tài trợ với mục tiêu cải thiện sinh kế bền vững và điều kiện sống của cư dân vùng Duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên, tập trung vào các lĩnh vực bức thiết cần giải quyết trong quá trình phát triển như cảnh báo lũ, nông nghiệp bền vững, môi trường và năng lượng tái tạo. Đó là điều vinh dự cho ngôi trường được xem là địa chỉ nghiên cứu, đào tạo đáng tin cậy trong lĩnh vực KH&CN. Do đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để trường thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ của chương trình IUC nói chung và các chương trình, dự án khác nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững về mọi mặt của địa phương./.