Theo đó, hoạt động ngoại giao kinh tế thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu khá quan trọng, cụ thể như đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các đối tác nước ngoài gồm 04 tỉnh Nam Lào (Attapue, Champasak, Salavan và Sekong), thành phố Izumisano (Nhật Bản), Hội hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai (Nhật Bản), quận Yongsan (Hàn Quốc), v.v… Đến nay, tỉnh đã có mối quan hệ giao thương với 156 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) giai đoạn 2011-2020 đạt 7.234 triệu USD, tăng bình quân hàng năm 9,5%. Số lượt doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng năm tăng dần (năm 2011 có 197 lượt doanh nghiệp, năm 2015 là 237 lượt doanh nghiệp và năm 2020 là 305 lượt doanh nghiệp). Tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) giai đoạn 2011-2020 thực hiện 2.852 triệu USD, tăng bình quân hàng năm 9,2%. Tính đến tháng 7/2021, toàn tỉnh có 87 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 01 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ hơn 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hầu hết các dự án FDI trên địa bàn tỉnh được triển khai hoạt động có hiệu quả, điển hình như: Dự án trồng rừng (Nhật Bản), dự án sản xuất và kinh doanh tôm giống thẻ chân trắng (Úc), dự án sản xuất thuốc tiêm - dịch truyền (CHLB Đức), dự án dệt - nhuộm - may (I-xa-ren), dự án nuôi heo công nghệ cao (Xingapo), v.v..., đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) giai đoạn 2011-2020 cũng đạt nhiều kết quả với 278 chương trình, dự án và khoản viện trợ phi dự án với tổng giá trị viện trợ đã được giải ngân hơn 17,2 triệu USD. Tháng 4/2021, tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm (2011-2020) công tác vận động viện trợ PCPNN và đề ra nhiều biện pháp, giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác vận động và sử dụng viện trợ PCPNN trong thời gian đến. Tính đến tháng 7/2021, trên địa bàn tỉnh còn 15 chương trình, dự án và khoản viện trợ phi dự án PCPNN với tổng giá trị viện trợ cam kết hơn 05 triệu USD. Ngoài ra, với hơn 10.000 người đang sinh sống, lao động và học tập ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đây là nguồn lực quan trọng, nên tỉnh đã thường xuyên kết nối thông tin, tranh thủ vận động sự giúp đỡ của nhiều kiều bào ở nước ngoài, điển hình như: Vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc (Pháp) đã trao nhiều suất học bổng Udon Vallet cho sinh viên, học sinh của tỉnh; PGS.TS. Nguyễn Chí Nghĩa, giảng viên trường Đại học Aomori Chuo Gakuin (Nhật Bản) đã kết nối, đưa nhiều sinh viên của tỉnh sang du học tại Nhật Bản; chị Sương Phạm Glauser (Thuỵ Sĩ) vận động viên góp, tài trợ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế trong tỉnh; đồng thời tỉnh đã thu hút được 06 dự án FDI của các kiều bào tham gia đầu tư tại tỉnh với tổng vốn gần 32,4 triệu USD… qua đó đã góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục phát huy những kết quả nêu trên, đồng thời để đẩy mạnh công tác NGKT trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tập trung huy động cao độ, tổng hòa các nguồn lực, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế, tranh thủ tối đa các điều kiện để củng cố, mở rộng các quan hệ kinh tế quốc tế, thu hút nguồn ngoại lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
- Thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển nguồn nhân lực mà trọng tâm là đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó tập trung rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật về hải quan và các quy định để đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do; tiếp tục rà soát và hoàn thiện các quy định của tỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết thương mại mà Việt Nam tham gia; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và đảm bảo các chủ đầu tư dự án phải tuân thủ đúng các nội dung đã được cấp chứng nhận đầu tư.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bằng cách tái cơ cấu các ngành, sản phẩm, tập trung sản xuất quy mô lớn các sản phẩm có sức cạnh tranh; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử và kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử mạnh trên thế giới.
- Tiếp tục xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển thị trường thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ có quy mô, chất lượng tại các thị trường xuất khẩu quan trọng, thị trường tiềm năng, đồng thời kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại gắn với các hoạt động đối ngoại của tỉnh.
- Thực hiện tốt các biện pháp quản lý nhập khẩu; kiểm tra đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu và hoàn thiện các quy định, quy chuẩn đối với hàng hóa, thiết bị, công nghệ nhập khẩu.
- Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm phát huy thế mạnh của mỗi doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu, chia sẻ nguồn tài nguyên, lao động, vốn, kỹ thuật, v.v… và phát huy tốt vai trò đại diện của các Hiệp hội ngành hàng trong và ngoài nước./.