Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương đã đặc biệt quan tâm, chủ động ứng dụng các giải pháp công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và quản lý. Ngày càng nhiều đơn vị đã tiếp cận và sử dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… Một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Trên cơ sở, Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 nêu rõ, nông nghiệp là một trong những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Theo đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Quang cảnh buổi họp tại điểm cầu Bình Định
Diễn đàn chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam lần này được tổ chức với 2 hội nghị chuyên đề có chủ đề: "Hoàn thiện hệ sinh thái cho chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam" và "Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu số hóa nông nghiệp Việt Nam". Qua đó, thảo luận về phương hướng, chính sách cũng như những kinh nghiệm chuyển đổi số nông nghiệp, đưa ra giải pháp cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số, bắt nhịp với xu thế toàn cầu.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Nông nghiệp là cơ sở giúp bảo đảm hệ thống chính trị và bảo đảm môi trường sinh thái tự nhiên. Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã trở thành ngành sản xuất chủ lực của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, với yêu cầu của thị trường ngày càng cao, nông nghiệp Việt Nam phải có khả năng thích ứng và sức cạnh tranh cao. Đại dịch Covid-19 cũng đã chứng minh việc đưa công nghệ thông minh vào nông nghiệp giúp bảo đảm sự ổn định, thông suốt, đồng thời giúp phát triển kinh tế sau đại dịch./.