Tại cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiệt liệt chúc mừng Thủ tướng Fumio Kishida được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do và Thủ tướng Nhật Bản.
Hai bên bày tỏ vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản và nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động thiết thực và có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Nhật Bản hỗ trợ hàng triệu liều vaccine kịp thời cho Việt Nam trong thời gian qua và đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phòng chống hiệu quả dịch Covid-19. Thủ tướng đánh giá cao Chính phủ Nhật Bản kiểm soát tốt dịch bệnh và chính sách xây dựng “vòng tuần hoàn tốt giữa tăng trưởng và phân phối” nhằm duy trì phát triển của Nhật Bản trong bối cảnh dịch bệnh.
Trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên mở cửa thị trường cho một số loại nông sản, hoa quả của nhau; khẳng định Việt Nam hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất tại Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ cảm tình đặc biệt với đất nước và nhân dân Việt Nam, mong muốn sớm thăm Việt Nam, đề nghị hai nước phối hợp duy trì các hoạt động đầu tư, kinh doanh, sản xuất khi kiểm soát được dịch bệnh.
Đáp lại đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc hỗ trợ cho người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập tại Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida khẳng định, luôn quan tâm đến cộng đồng 400.000 người Việt Nam tại Nhật Bản và sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho sinh viên, thực tập sinh Việt Nam quay trở lại Nhật Bản, nhất là tăng thêm nhiều lao động tay nghề cao, ủng hộ đề xuất của Việt Nam về việc mở cửa thị trường cho một số loại nông sản.
Thủ tướng Nhật Bản cảm ơn và mong muốn Việt Nam tiếp tục quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Hai bên cũng thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, như ứng phó biến đổi khí hậu, phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, cùng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của duy trì hoà bình ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Lãnh đạo hai nước nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ đưa quan hệ Việt Nam–Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực và thế giới; trên tinh thần đó, nhất trí sớm thu xếp các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng có cuộc gặp trong dịp dự Hội nghị COP26.
Trong bầu không khí hữu nghị và chân tình, hai bên chia sẻ những tình cảm tốt đẹp giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước từ thế hệ này sang thế hệ khác; bày tỏ hài lòng nhận thấy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ngày nay đang phát triển trên cả 5 trụ cột chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân.
Trên tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy tiếp xúc các cấp qua các kênh đảng, nhà nước, chính phủ, quốc hội, nhân dân, tổ chức các hoạt động có ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ vào năm 2022; tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất với Thủ tướng Modi các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương như giảm thiểu các rào cản thương mại và bảo hộ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước, đề nghị mở cửa cho hàng nông sản Việt Nam như nhãn, chôm chôm, sầu riêng...
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh, Việt Nam có tiềm năng như năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo….
Về hợp tác phòng chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Ấn Độ, tăng nhanh tỷ lệ tiêm chủng, chân thành cảm ơn Ấn Độ đã hỗ trợ kịp thời Việt Nam phòng chống dịch Covid-19, tặng thiết bị y tế, cung cấp thuốc điều trị, nhấn mạnh đây là nghĩa cử vô cùng cao đẹp minh chứng cho tình hữu nghị truyền thống, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tốt đẹp giữa hai nước và mong muốn Ấn Độ tiếp tục xuất khẩu vacine, cung cấp thuốc điều trị và vật tư y tế cho Việt Nam.
Thủ tướng Ấn Độ khẳng định, rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẽ tiếp tục đẩy mạnh đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ, tăng cường hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch bệnh, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư.
Thủ tướng Modi chia sẻ với Thủ tướng Việt Nam về những tác động lớn của đại dịch, khiến nhiều người tử vong tại Ấn Độ, song vẫn quan tâm tới các nước láng giềng, khu vực, có hỗ trợ y tế, đặc biệt là vaccine, trang thiết bị y tế, oxy cho Việt Nam. Thủ tướng Modi cũng thông báo năm 2022, Ấn Độ sẽ sản xuất 5 tỷ liều vaccine, đủ cung cấp cho các nước trong khu vực.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực, quốc tế, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương trong các hoạt động như chống biến đổi khí hậu và duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Thủ tướng Modi trân trọng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính sớm thăm chính thức Ấn Độ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Gặp gỡ Thủ tướng Ireland Micheal Martin, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có công tác phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 và kế hoạch tổng thể phát triển năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt là ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo mà Ireland có nhiều kinh nghiệm và thành công, khẳng định Việt Nam có tiềm năng và lợi thế, hoan nghênh sự hợp tác, hỗ trợ từ Ireland trong lĩnh vực này.
Bày tỏ quan tâm tình hình phòng chống dịch của Việt Nam và kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, Thủ tướng Ireland cho rằng cả hai bên đều có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Ireland cũng đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 cũng như những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Hai bên nhất trí cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp và trong thời gian tới cần thúc đẩy hơn nữa, trong đó có việc trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Kuwait - Hoàng tử Sabah Al-Khaled Al-Hamad Al-Sabah, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phát triển quan hệ Việt Nam-Kuwait thời gian qua, khẳng định hai nước cần phối hợp nâng tầm hợp tác song phương trong bối cảnh năm nay hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng Kuwait cũng bày tỏ mong muốn hai nước đẩy mạnh các hoạt động kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao, thúc đẩy đàm phán các hiệp định, thỏa thuận hợp tác.
Thủ tướng Kuwait khẳng định việc hỗ trợ vaccine cho Việt Nam là nghĩa vụ của những người bạn và Kuwait sẽ tiếp tục nỗ lực này. Hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ toàn diện giữa hai nước, quan tâm thúc đẩy các dự án hợp tác, đầu tư giữa hai nước nhất là trong lĩnh vực dầu khí mà cả hai bên đều có nhiều tiềm năng.
Tại cuộc gặp Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò và đóng góp của IAEA trong đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân, thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ hạt nhân vào mục đích hòa bình, phục vụ phát triển bền vững.
Đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với IAEA, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn IAEA đã cung cấp thiết bị, sinh phẩm, vật tư và đào tạo chuyển giao công nghệ xét nghiệm, phát hiện sớm virus SARS-CoV-2 cho Việt Nam.
Tổng Giám đốc IAEA nhấn mạnh lợi thế của ứng dụng năng lượng hạt nhân trong các lĩnh vực như y tế, thuốc chữa bệnh, nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, điện hạt nhân công nghệ mới, an toàn, tiết kiệm chi phí, đóng góp vào giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng toàn cầu hiện nay; khẳng định IAEA sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho Việt Nam trong các lĩnh vực này.
Gặp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về chống biến đổi khí hậu John Kerry, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của Hoa Kỳ, đặc biệt là cá nhân ông John Kerry trong việc thúc đẩy các nỗ lực chung toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong ứng phó biến đổi khí hậu, quyết tâm giảm phát thải ròng bằng “0”, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tuần hoàn, thể hiện đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với nỗ lực chung bảo vệ Trái Đất.
Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam tham gia tuyên bố các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, cam kết giảm phát thải methane, Liên minh hành động thích ứng toàn cầu, mong Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam qua hợp tác song phương và đa phương để thực hiện các mục tiêu này, đồng thời cảm ơn đóng góp của ông John Kerry đối với quan hệ hai nước.
Đặc phái viên John Kerry đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 và những quyết tâm của Việt Nam, khẳng định ủng hộ Việt Nam trong các nỗ lực chống biến đổi khí hậu nói riêng, phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nói chung.
Nguồn: baoquocte.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn