Hoạt động đối ngoại ở địa phương, những vấn đề cần quan tâm
Thứ tư - 04/08/2021 10:36
Nằm trong hệ thống các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ Bình Định đã có nhiều nỗ lực đóng góp tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được Tỉnh ủy và UBND tỉnh đánh giá nhiều năm liền hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Có được thành tích như vậy là nhờ đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức; tích cực, chủ động trong quản lý và trong tham mưu đề xuất. Lãnh đạo Sở luôn nhận thức kết quả đạt được trong hoạt động đối ngoại ở địa phương không tự nhiên có được, mà tất cả dù lớn hay nhỏ đều phải có sự tích góp và luôn cân nhắc, thận trọng, chu đáo trong vận động, đón tiếp kể cả trong triển khai, thực hiện, vì đây là sản phẩm của quá trình ngoại giao. Nhận thức tầm quan trọng trong tổ chức hoạt động; trong những năm vừa qua, Lãnh đạo Sở đã tích cực tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh đón tiếp an toàn, chu đáo nhiều đoàn khách quốc tế; tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế và hội nghị chuyên đề có khách nước ngoài tham dự; vận động, ký kết, triển khai thực hiện được nhiều thỏa thuận hợp tác quốc tế, chương trình dự án tài trợ, viện trợ với các tổ chức PCPNN và dự án đầu tư với các đối tác nước ngoài… góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh và tranh thủ đáng kể nguồn lực từ bên ngoài trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước…
Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại của địa phương để góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước của Sở Ngoại vụ, trong thời gian đến, Sở Ngoại vụ Bình Định luôn tích cực, chủ động trong quản lý và tham mưu đề xuất; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nhất là trong đối ngoại kinh tế, đối ngoại văn hóa và tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của tỉnh Bình Định ra nước ngoài; quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và bộ máy hoạt động của ngành ngoại vụ tỉnh nhà; Bổ sung thêm biên chế và tiềm lực hoạt động của Sở Ngoại vụ để xứng đáng là “bộ mặt ngoại giao” của địa phương.
Hiện nay, nhiều Sở Ngoại vụ đang gặp không ít khó khăn, không chỉ do phát sinh đại dịch Covid-19 mà vốn dĩ do biên chế ít, thiếu kinh phí hoạt động. Ngoài ra, một vài đơn vị chưa nắm bắt và phát huy hết vai trò chức năng, nhiệm vụ của Sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2015/TTLT của Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao nên hoạt động khá khiêm tốn so với một số sở, ngành khác tại địa phương. Mặt khác, mối quan hệ giải quyết công việc thường xuyên hiện nay giữa các cơ quan hành chính và cơ quan chuyên môn với người dân tại các địa phương chủ yếu tập trung giải quyết những vấn đề nóng thuộc về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý ô nhiễm môi trường, quy hoạch, chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng hạ tầng… Còn những công việc liên quan đến hoạt động đối ngoại thỉnh thoảng mới xuất hiện, nhưng cũng chưa phải đến mức cấp thiết nên Lãnh đạo địa phương thường để chậm lại hoặc sắp xếp sau. Do đó, hoạt động đối ngoại tại địa phương thường bị công việc của các ngành khác chi phối, thậm chí ít khi Sở được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ đến thăm và làm việc.
Để góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về đối ngoại tại địa phương, ngoài việc tích cực, chủ động theo dõi quản lý, tham mưu đề xuất và tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan có thẩm quyền, Sở Ngoại vụ các tỉnh, nhất là những tỉnh gần kề và những tỉnh trong cùng khu vực nên có những đổi mới trong hoạt động, nhất là trong phối hợp, trao đổi thông tin, xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan, quan tâm tổ chức các buổi giao lưu làm việc, học tập trao đổi kinh nghiệm giữa các Sở Ngoại vụ để kết nối, chia sẻ thông tin, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đối ngoại, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giữa các cơ quan, đơn vị. Mặt khác, cần quan tâm chú trọng nâng cao chất lượng các buổi họp giao ban; sơ, tổng kết ở các cụm, khối thi đua theo Kế hoạch; tạo điều kiện để các Sở được trình bày hết tình hình và những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về ngoại vụ tại địa phương; đại điện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các vụ, cục được phân công tham dự, chủ trì cần có kết luận, chỉ đạo thật cụ thể, sâu sắc, kịp thời phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, những phương pháp quản lý tốt và hướng dẫn, tháo gỡ tận tình những khó khăn, vướng mắc của các địa phương.
Khác với Trung ương, hoạt động đối ngoại ở địa phương chỉ là những nhiệm vụ, công việc mang tính sự vụ, phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan Trung ương, đặc biệt là các văn bản quy định của Chính phủ. Nhiều nội dung hoạt động đối ngoại ở các địa phương hiện nay được phân chia quản lý theo ngành, lĩnh vực, không phải tập trung tại một đầu mối là Sở Ngoại vụ; đồng thời cho đến nay vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương liên quan đến hoạt động đối ngoại chưa được ban hành, làm cho các cơ quan ngoại vụ ở địa phương vốn đã khó lại càng khó khăn hơn trong hoạt động. Nhằm tạo điều kiện để hoạt động đối ngoại của địa phương ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước của Sở Ngoại vụ tại các tỉnh, thành phố; với vai trò đầu mối, Bộ Ngoại giao sớm tổng hợp, kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm tạo hành lang pháp lý, thống nhất, đồng bộ trong hoạt động đối ngoại, hay nói cách khác là sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quy định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực đối ngoại cùng một số quy định có liên quan đến công tác đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam, văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 và Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ…
Ngoài ra, để góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao vai trò hoạt động của các Sở Ngoại vụ, từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan hành chính, cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố quan tâm ủy quyền cho Sở Ngoại vụ, hoặc Giám đốc Sở Ngoại vụ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác quản lý các đoàn ra, đoàn vào, nhất là những đoàn ra, đoàn vào có số lượng ít, cấp hàm thấp (hoặc không có chức vụ), nội dung công việc cụ thể, đơn giản, thuộc trách nhiệm giải quyết của các sở, ngành, địa phương hoặc kinh phí do cá nhân tự bố trí, không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; quan tâm thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, các hội nghị giao ban vùng, các hội nghị, hội thảo khoa học; tạo điều kiện cho các Giám đốc Sở được tiếp cận và làm việc với các đại sứ và cơ quan của Bộ Ngoại giao ở nước ngoài để góp phần nâng cao kiến thức thông tin, quản lý, phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại cơ quan, đơn vị…
Để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và vai trò quản lý nhà nước của Sở Ngoại vụ các tỉnh, thành phố, bên cạnh sự tích cực, chủ động và nỗ lực cố gắng của các địa phương cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan Trung ương, đặc biệt là Bộ Ngoại giao không chỉ về nghiệp vụ chuyên môn, thông tin quản lý, chỉ đạo điều hành mà còn có cả sự ổn định về cơ chế chính sách, quy định pháp luật để các Sở Ngoại vụ ngày càng phát huy và xứng đáng với vai trò là cơ quan đầu mối, là cánh tay nối dài của Trung ương tại địa phương về hoạt động đối ngoại và các vấn đề liên quan đến đối ngoại./.