Thủ tướng tiếp GS. Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF. GS. Klaus Schwab đã ca ngợi Việt Nam là nền kinh tế năng động, ngọn hải đăng về phát triển kinh tế và đầu tầu tăng trưởng của khu vực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của Việt Nam về Đổi mới, hội nhập và phát triển; chuyển tải những thông điệp sâu sắc, rõ nét về những thành tựu nổi bật về kinh tế-xã hội, về chủ trương, tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước Việt Nam; qua đó khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh sự thành công của Việt Nam trong gần 40 năm qua khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương, quan điểm phát triển của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Thủ tướng cũng đã có những trao đổi cởi mở, chân thành, sâu sắc với các đối tác, doanh nghiệp, thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm cao của Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Thủ tướng cho biết trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam tiếp tục lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng và có chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và tình hình, xu thế thế giới. Việt Nam tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, với các lĩnh vực ưu tiên là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Trong đó, một giải pháp quan trọng là huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho tăng trưởng và phát triển.
Những chia sẻ của Thủ tướng được các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, thể hiện qua sự hứng khởi, quan tâm, mong muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong những ngành lĩnh vực mới. Không khí các cuộc trao đổi đều rất hào hứng, khí thế, hứa hẹn nhiều cơ hội để mở rộng, thiết lập các quan hệ đối tác, đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab đã ca ngợi Việt Nam là nền kinh tế năng động, ngọn hải đăng về phát triển kinh tế và đầu tầu tăng trưởng của khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân
Trung Hoa Tập Cận Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cụ thể hóa định hướng chiến lược của lãnh đạo cấp cao
Chuyến công tác và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển tốt đẹp. Đặc biệt, sau hai chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (năm 2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (năm 2023), hai bên nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược", không khí tin cậy và hữu nghị đã lan tỏa rộng khắp đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hai nước, hình thành cục diện giao lưu, hợp tác sôi động, thực chất và đạt nhiều kết quả cụ thể.
Mục tiêu rất quan trọng của chuyến công tác là tiếp tục cụ thể hóa, triển khai nhận thức, thỏa thuận chung mang tầm chiến lược của lãnh đạo cấp cao hai nước thành các chương trình, dự án hợp tác cụ thể.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chương trình hoạt động song phương hết sức phong phú, bao gồm hội kiến, hội đàm các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, tham dự, phát biểu tại "Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc"; tiếp lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc; gặp gỡ cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc. Trong chuyến công tác, các bộ trưởng, thành viên đoàn cũng có các cuộc tiếp xúc, làm việc với người đồng cấp của Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc
Lý Cường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các hoạt động của Đoàn đã thành công tốt đẹp, đạt được các yêu cầu, mục đích đề ra. Kết quả và ý nghĩa của các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thể hiện rõ nét trên 4 phương diện:
Thứ nhất, duy trì trao đổi chiến lược cấp cao thường xuyên giữa hai Đảng, hai nước, củng cố và tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên, phát huy vai trò định hướng quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã khẳng định sự coi trọng cao của Đảng, Nhà nước mỗi bên đối với quan hệ hai nước, cũng như vai trò, vị thế đặc biệt của quan hệ song phương trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước.
Theo đó, Thủ tướng khẳng định củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhấn mạnh coi trọng quan hệ với Việt Nam, xác định đây là phương hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.
Mặc dù đây là chuyến công tác làm việc, song phía Trung Quốc đã dành cho đoàn Việt Nam sự đón tiếp rất trọng thị, nồng hậu. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội kiến, hội đàm với 3 đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hộ Ninh; tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trương Quốc Thanh. Điều này cho thấy sự coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh và cơ chế hóa hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực, triển khai đồng bộ, toàn diện trên các kênh Đảng, Chính phủ/Quốc vụ viện, Quốc hội/Nhân đại, Mặt trận Tổ quốc/Chính hiệp toàn quốc và trong các lĩnh vực quan trọng như ngoại giao-an ninh-quốc phòng. Hai bên bày tỏ quyết tâm cao, nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng sâu sắc, toàn diện và thực chất, cùng hướng tới dấu mốc quan trọng năm 2025, dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc
Vương Hộ Ninh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ hai, trên cơ sở rà soát, đánh giá tổng thể tình hình hợp tác thời gian qua, hai bên đã đi sâu trao đổi và thống nhất về các phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hết sức toàn diện, nội dung phong phú, thực chất thời gian tới.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc đi sâu quán triệt, cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc đạt được trong các chuyến thăm của hai Tổng Bí thư hai Đảng, qua đó tiếp thêm những động lực mới mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, không ngừng làm phong phú cho quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược giữa hai nước.
Hai bên nhất trí tăng cường kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" của Việt Nam với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh kết nối đường sắt khu vực biên giới, thúc đẩy hợp tác phát triển một số tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn tại khu vực phía Bắc Việt Nam.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại, nhất là thương mại nông sản; trao đổi các biện pháp nâng cao hiệu suất thông quan, nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh, khu hợp tác kinh tế biên giới; phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam.
Cùng với đó, thúc đẩy đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào Việt Nam nhất là trong các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng giao thông, kinh tế xanh, kinh tế số, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tăng cường hợp tác du lịch bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, tài chính- ngân hàng...
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng
Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ ba, không ngừng củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước.
Hai bên nhất trí coi đây là một "công trình hệ thống" để dày công thúc đẩy, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục được kế thừa, trao truyền và phát huy. Hai bên nỗ lực triển khai tốt và nâng cao hiệu quả các cơ chế giao lưu hữu nghị, như: Diễn đàn nhân dân, Liên hoan nhân dân biên giới, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên, Liên hoan thanh niên Việt-Trung; Trung Quốc sớm triển khai cung cấp 1.000 suất học bổng cho giáo viên tiếng Trung của Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền về tình hữu nghị truyền thống của hai Đảng, hai nước; thúc đẩy khôi phục hợp tác về du lịch, hàng không.
Thứ tư, xử lý ổn thỏa bất đồng, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định.
Hai bên nhất trí phối hợp tốt trong công tác quản lý biên giới trên đất liền, tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc trong năm 2024.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục thực hiện nghiêm các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, tuân thủ luật pháp quốc tế, kiểm soát hiệu quả và xử lý thỏa đáng bất đồng, không để vấn đề bất đồng ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc
về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp
Việt Nam-Trung Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Điểm nhấn hợp tác, phát triển hạ tầng chiến lược giao thông
Điểm nhấn quan trọng của chuyến công tác là thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc và WEF, đặc biệt là phát huy vai trò của các doanh nghiệp hai nước trong thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông.
Thủ tướng đã tiếp lãnh đạo hàng loạt tập đoàn lớn hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt và cơ sở hạ tầng, đồng thời tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp lớn, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hùng hậu của WEF.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển và kết nối hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là lĩnh vực đột phá, khả thi và mang tính biểu tượng để góp phần tiếp tục triển khai, cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, các định hướng chỉ đạo chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam mong muốn tham khảo kinh nghiệm, hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược giao thông. Là hai nước láng giềng gần gũi, "núi liền núi, sông liền sông", tiềm năng hợp tác giao thông giữa hai nước là rất lớn trong cả 5 phương thức vận tải. Hai nước có những tiềm năng, thế mạnh có thể bổ trợ, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực này. Hai bên cũng có quyết tâm chính trị cao, thể hiện qua nhiều thỏa thuận cấp cao, nhiều hiệp định hợp tác đã được ký kết.
Thủ tướng tiếp ông Nghiêm Giới Hoà, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trang Nghiêm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Để đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này, Thủ tướng cho rằng cần quán triệt nghiêm túc và triển khai hiệu quả định hướng chỉ đạo chiến lược của hai đồng chí Tổng Bí thư; cam kết của hai bên về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông. Cần sự chung tay, vào cuộc chủ động, tích cực của các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh hợp tác công tư, với tinh thần chân thành, tin cậy, cầu thị, cùng hợp tác, cùng phát triển, cùng thắng, bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Cùng với đó, kịp thời sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, có tính cạnh tranh, hấp dẫn cao để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối hai nước. Cùng với các cơ chế hợp tác, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm theo tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả lượng hoá được; đồng thời, phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát thực hiện và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Thủ tướng tiếp ông Nghiêm Thánh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị
và các cán bộ cấp cao của Tập đoàn Thiên Doanh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị phía Trung Quốc tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn ưu đãi, công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, quản trị thông minh trong lĩnh vực hạ tầng giao thông chiến lược, nhất là đường sắt, qua đó hỗ trợ hình thành, phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Thủ tướng kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn (cả nhà nước và tư nhân) của Trung Quốc tham gia đầu tư, đấu thầu, xây dựng các công trình, dự án lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là giao thông vận tải, hướng tới có ngày càng nhiều các công trình hợp tác biểu tượng giữa hai nước.
Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị sớm triển khai ba dự án kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn (Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; Lạng Sơn-Hà Nội; Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng), trước mắt triển khai nhanh tuyến Hà Nội-Lào Cai-Hải Phòng; tiếp tục phối hợp triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TPHCM; trong đó, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tham gia theo hình thức PPP.
Thủ tướng đề nghị rút kinh nghiệm từ các dự án trước đây, điều chỉnh cách làm, đổi mới tư duy, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để làm tốt hơn, hiệu quả hơn trong các kế hoạch, dự án sắp tới, không để dàn trải, kéo dài, đội vốn, chống tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng thăm lại Đại sứ quán và gặp gỡ bà con kiều bào trong chuyến công tác thứ 3 tới Trung Quốc trong một năm qua với kết quả chuyến sau tốt hơn chuyến trước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ đã thành công rất tốt đẹp, là bước triển khai thiết thực đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế; nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc trên tinh thần quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược".