Thực trạng và các giải pháp quản lý đối với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Định

Thứ sáu - 23/07/2021 07:33
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 87 doanh nghiệp FDI, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,02 tỷ USD (trong đó có 38 doanh nghiệp có dự án đầu tư trong Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 743 triệu USD và 49 doanh nghiệp có dự án đầu tư ngoài Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 272 triệu USD) thuộc các nhà đầu tư từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Singapore,… Hầu hết các doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, với mức vốn bình quân khoảng 12 triệu USD/doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp có vốn đăng ký đầu tư lớn nhất là Công ty TNHH MTV Du lịch và Khách sạn Việt Mỹ (Mỹ) với 250 triệu USD (chưa hoạt động) và hai doanh nghiệp có mức vốn đầu tư thấp nhất là Công ty TNHH V&J Human Resource (Nhật Bản) và Công ty TNHH V&J Human Resource School (Nhật Bản), mỗi doanh nghiệp 30 ngàn USD.
Công ty TNHH New Hope Bình Định tại KCN Nhơn Hòa (Nguồn: tikibook)
Công ty TNHH New Hope Bình Định tại KCN Nhơn Hòa (Nguồn: tikibook)
Hiện nay, theo quy định trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI được phân cấp theo địa bàn, nơi doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án nằm trong khu kinh tế và các khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh là cơ quan chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý toàn diện các mặt công tác liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp từ khâu giới thiệu địa điểm, chủ trương đầu tư, cấp phép đầu tư, quản lý dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp,… cho đến tham mưu thủ tục chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có dự án bên ngoài khu kinh tế và các khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý theo quy định. Tuy có sự phân công, phân nhiệm trong quản lý hoạt động, nhưng vì nhiều lý do khác nhau như hoạt động của các doanh nghiệp FDI khá đa dạng, biên chế của các cơ quan quản lý nhà nước có hạn, nhân sự được phân công theo dõi không ổn định, điều kiện, phương tiện phục vụ công tác quản lý chưa đầy đủ, sự phối hợp công tác của một số doanh nghiệp có lúc, có nơi chưa kịp thời, đầy đủ,…. do đó, công tác quản lý nhà nước trong hoạt động của doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh có trường hợp, vụ việc thiếu chặt chẽ, chưa thật sự đi vào chiều sâu và mang tính toàn diện. Điều này dẫn đến một số hạn chế, bất cập, nhất là những lúc doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, nguồn cung ứng lao động, thị trường tiêu thụ sản phẩm, rào cản kỹ thuật, bị nước ngoài quy kết bán phá giá hoặc được hưởng các miễn, giảm trong ưu đãi đầu tư, kinh doanh,… không biết liên hệ cơ quan nào để được tư vấn hỗ trợ hoặc hướng dẫn giải quyết một cách kịp thời, đầy đủ theo quy định; những trường hợp như vậy chủ yếu doanh nghiệp tự “lay hoay” giải quyết là chính. Do đó, phần nào đã làm hạn chế khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng môi trường thu hút đầu tư của tỉnh.

Từ thực tế nêu trên, đòi hỏi cần phải không ngừng đổi mới công tác quản lý nhà nước theo hướng bố trí một số cơ quan đầu mối có năng lực, chuyên môn, tinh thông về thị trường và luật pháp quốc tế để luôn đồng hành, sát cánh cùng với doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt nhất, giúp các doanh nghiệp FDI tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, các giải pháp quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp này trong thời gian đến là:

- Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn kịp thời và đầy đủ các quy định của pháp luật nhằm giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận một cách tốt nhất những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước để phục vụ cho mục tiêu, chiến lược hoạt động, phát triển của doanh nghiệp.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh quan tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư, giải quyết hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vấn đề về đất đai, địa điểm, giải phóng mặt bằng, cấp phép đầu tư,… đối với những dự án FDI, đặc biệt là những dự án có quy mô lớn, sản phẩm công nghệ cao, thu hút nhiều lao động, có khả năng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Các Sở Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường,…tăng cường công tác quản lý nhà nước, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, nhất là công tác cung ứng nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm; mở rộng quy mô địa điểm sản xuất, kinh doanh, mở rộng vùng nguyên liệu, tuyển dụng lao động, tranh chấp lao động,… nhằm giúp các doanh nghiệp FDI nhanh chóng ổn định đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả.

- Nâng cao các biện pháp quản lý, nhất là trong khâu cải tiến thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định chủ trương, dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường, thẩm định, phê duyệt thiết kế, cấp giấy phép lao động,… kịp thời động viên, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh có hiệu quả nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

- Định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh nhằm lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời biểu dương, khen thưởng những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tham gia đóng góp tích cực cho địa phương.

- Các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với những doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường; vi phạm các chế độ, chính sách đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp nhằm kịp thời chấn chỉnh, giúp doanh nghiệp tổ chức hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

- Sở Ngoại vụ làm cơ quan đầu mối, tổng hợp tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp FDI, kể cả tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư ra nước ngoài; những vấn đề còn tồn đọng, chưa giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan và những vi phạm trong quá trình hoạt động của tổ chức, cá nhân người nước ngoài; báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ để chỉ đạo giải quyết./.
 

Tác giả bài viết: Ngọc Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây