Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, tháng 9/2023. (Nguồn: TTXVN)
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và trọng tâm về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khoá 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai và làm việc tại Hoa Kỳ?
Đây là chuyến công tác Hoa Kỳ đầu tiên trên cương vị mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, do đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá của Việt Nam. Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho bầu cử và sắp chuyển giao lãnh đạo, kết quả chuyến công tác lần này sẽ giúp duy trì và củng cố đà tiến triển trong quan hệ hai nước trong những năm tới, góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và tiến bộ ở khu vực và trên thế giới.
|
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng.
(Nguồn: TTXVN) |
Đồng thời, diễn ra vào thời điểm tròn một năm Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện (ĐTCLTD) vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, cũng như trước thềm kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao, chuyến thăm sẽ là dịp để hai bên cùng nhìn lại chặng đường đã qua, đúc rút, chia sẻ và lan toả những bài học, kinh nghiệm hay về quan hệ giữa các quốc gia, đồng thời tôn vinh và tri ân những thế hệ bạn bè đã và đang tích cực đóng góp cho quan hệ hai nước.
Với những ý nghĩa trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có chương trình hoạt động rất phong phú, đa dạng tại Hoa Kỳ, với hàng loạt cuộc gặp, tiếp xúc với Lãnh đạo, bạn bè trong chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, học giả, bà con kiều bào… Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ chủ trì sự kiện hướng tới kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao và một năm ĐTCLTD vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, cũng như có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Columbia. Nhân dịp này, nhiều thành viên trong Đoàn cũng sẽ có các hoạt động song phương với các đối tác Hoa Kỳ.
"Đây là chuyến công tác Hoa Kỳ đầu tiên trên cương vị mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô
Lâm, do đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để khẳng định đường lối đối ngoại độc lập,
tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá của Việt Nam". |
Đại sứ cảm nhận thế nào về khí thế của cả hai bên sau tròn một năm triển khai khuôn khổ ĐTCLTD với 10 trụ cột, đồng thời hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2025?
Việc nâng cấp quan hệ lên ĐTCLTD vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững đã tạo ra những xung lực, khí thế mới cho quan hệ hai nước. Các cơ quan, ban ngành, tổ chức, hiệp hội và cá nhân đều rất phấn khởi, đặt nhiều kỳ vọng và hăng hái vào cuộc để triển khai khuôn khổ đối tác mới trong cả 10 trụ cột.
Biểu hiện rõ nhất là hoạt động trao đổi đoàn các cấp diễn ra hết sức sôi động. Một số cơ chế Đối thoại mới được thiết lập, như Đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao, Đối thoại Kinh tế và Đối thoại An ninh và Thực thi pháp luật, qua đó giúp tăng cường khuôn khổ thể chế cho hợp tác. Phía Hoa Kỳ cũng đã có nhiều đoàn quan chức chính quyền, Nghị sỹ Quốc hội, hiệp hội và doanh nghiệp sang thăm Việt Nam. Trong đó, tháng 3 vừa qua, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) đã tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tháng 3/2024. (Nguồn: TTXVN)
Một số văn bản, thoả thuận mới đã được ký kết nhằm cụ thể hoá các nội dung hợp tác về văn hoá, giáo dục và giao lưu nhân dân trong khuôn khổ ĐTCLTD. Hoa Kỳ tiếp tục cam kết và thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên chung như y tế cộng đồng, phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm, ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng…
Hai bên cũng đang tích cực triển khai các hoạt động hợp tác rất có ý nghĩa trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, tẩy độc các khu vực ô nhiễm, rà phá bom mìn và tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích. Bên cạnh đó là hợp tác giáo dục, văn hóa…
Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ mối quan hệ song phương nào, quan hệ hai bên còn một số tồn tại, vướng mắc. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng với quyết tâm, cam kết và thiện chí của cả hai bên, chúng ta sẽ tìm được cách thức vượt qua những trở ngại này, đưa quan hệ hai bên đạt nhiều kết quả hơn nữa, hướng tới kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao hai nước và xa hơn.
Nhiều người cho rằng lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là nơi thể hiện rõ nhất “sức sống mới” của quan hệ ĐTCLTD Việt Nam-Hoa Kỳ. Đại sứ đánh giá ra sao về góc nhìn này?
Có thể nói trong 10 trụ cột hợp tác trong ĐTCLTD Việt Nam – Hoa Kỳ, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là một trong những trụ cột năng động nhất, đã sôi động lại càng phong phú hơn nữa sau khi hai nước nâng cấp quan hệ.
Từ mức hơn 50 triệu USD khi hai bên bình thường hóa quan hệ năm 1995, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đã đạt 111 tỷ USD. Bất chấp các tác động không thuận của dịch bệnh, kinh tế - thương mại toàn cầu gặp khó khăn, trao đổi thương mại song phương ba năm gần đây đều vượt mốc 100 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại tăng trưởng với tốc độ khoảng 20-25%, đưa Việt Nam trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 7 của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ tiếp tục duy trì vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Về đầu tư, Hoa Kỳ đứng thứ 11 với gần 12 tỷ USD và ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Hoa Kỳ.
Những kết quả này cho thấy việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là quyết định hoàn toàn đúng đắn, vừa ghi nhận các tiến bộ vượt bậc trong quan hệ kinh tế giữa hai nước trong thời gian qua, vừa là xung lực tiếp tục củng cố lòng tin và sự phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.
Từ góc độ địa bàn, tôi nhận thấy xung lực đến từ sự cam kết và quyết tâm rất lớn của Lãnh đạo cấp cao, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương hai nước trong triển khai các thỏa thuận cấp cao, tạo dựng các cơ hội để kết nối cộng đồng doanh nghiệp, sẵn sàng đối thoại, lắng nghe để tháo gỡ các khó khăn và vướng mắc. Doanh nghiệp hai nước rất quan tâm, khát khao mở rộng trao đổi thương mại và tăng cường đầu tư, tìm hiểu khả năng hợp tác trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, giao thông vận tải...
"Những kết quả này cho thấy việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là quyết định hoàn toàn
đúng đắn, vừa ghi nhận các tiến bộ vượt bậc trong quan hệ kinh tế giữa hai nước trong thời gian
qua, vừa là xung lực tiếp tục củng cố lòng tin và sự phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp
Việt Nam và Hoa Kỳ". |
Trong quá trình triển khai, cụ thể hóa các cam kết cấp cao cũng có một số vướng mắc vì hệ thống các quy định, thủ tục giữa hai nước còn một số điểm khác nhau và cần hợp tác khắc phục thông qua đối thoại, hỗ trợ lẫn nhau, tìm ra các phương án tối ưu. Tinh thần chung là Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp luôn thể hiện thiện chí, quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế, qua đó củng cố quan hệ tổng thể giữa hai nước.
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng trao tặng Kỷ niệm chương ‘Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc’ cho một số bạn bè của Việt Nam tại Hoa Kỳ. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)
Đại sứ dành nhiều thời gian đi thực tế địa phương cũng như gặp gỡ những người bạn Hoa Kỳ. Những người bạn Hoa Kỳ của Việt Nam sẽ giúp “bện chặt” sợi dây kết nối quan hệ hai nước như thế nào, hôm nay và cả mai sau, thưa Đại sứ?
Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, tôi đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều người bạn Hoa Kỳ, cũng như đi thăm và làm việc tại một số địa phương. Cảm nhận chung là đại đa số người Hoa Kỳ đều rất có cảm tình với Việt Nam, khâm phục người dân Việt Nam nhỏ bé nhưng luôn kiên cường, bất khuất, đồng thời lại rất nhân hậu, độ lượng và vị tha, sẵn sàng khép lại quá khứ và hướng tới tương lai. Đặc biệt, rất nhiều người bạn đã trải qua giai đoạn chiến tranh rất “nặng tình” với Việt Nam, luôn canh cánh trong lòng phải làm gì đó để đền đáp.
"Phải nói là chúng ta đã khá may mắn khi có được những bạn bè thuộc 'thế hệ Việt Nam' tại
Hoa Kỳ; điều cần làm hiện nay là tiếp tục củng cố, không ngừng mở rộng quan hệ,
tìm kiếm và bổ sung những bạn bè mới, chia sẻ lợi ích chung và hỗ trợ Việt Nam bước
vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". |
Chúng ta đã rất quen thuộc với những cái tên như cố Thượng nghị sỹ (TNS) John McCain hay các cựu TNS John Kerry và Patrick Leahy… những người dù đương chức hay đã nghỉ hưu vẫn luôn quan tâm theo dõi và sẵn sàng góp sức vào phát triển quan hệ hai nước. Ngoài ra, còn rất nhiều những người bạn Hoa Kỳ khác đang đóng góp thầm lặng cho quan hệ hai nước, thông qua các hoạt động gây quỹ thiện nguyện hỗ trợ trẻ em Việt Nam, hay hỗ trợ tìm kiếm bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh. Với thế hệ trẻ hơn, tôi luôn khuyến khích họ sang thăm để trực tiếp chứng kiến và cảm nhận, từ đó hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hoà bình, hiếu khách.
Phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ không chỉ là nhiệm vụ của hai chính phủ, mà còn là trách nhiệm của nhân dân hai nước. Quan hệ giữa nhân dân hai nước bền chặt sẽ càng giúp cho quan hệ chính trị thuận lợi. Thực tế, giao lưu nhân dân đã góp một phần rất quan trọng đưa đến bình thường hoá quan hệ hai nước, và sau đó đạt được những kết quả như hôm nay. Phải nói là chúng ta đã khá may mắn khi có được những bạn bè thuộc “thế hệ Việt Nam” tại Hoa Kỳ; điều cần làm hiện nay là tiếp tục củng cố, không ngừng mở rộng quan hệ, tìm kiếm và bổ sung những bạn bè mới, chia sẻ lợi ích chung và hỗ trợ Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.