Lãnh đạo tỉnh, Tập đoàn FPT thực hiện nghi thức phát lệnh động thổ
khởi công Dự án Trung tâm AI - Đô thị phụ trợ tại Bình Định.
Ảnh: TRỌNG LỢI
Theo Bộ TT&TT, ở lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số hiện nay, AI và bán dẫn là một trong những mũi đột phá, có tốc độ phát triển nhanh nhất (tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm), đóng góp lớn cho GDP. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương nhìn nhận, Bình Định là tỉnh có tiềm năng để phát triển công nghệ số nhờ vào vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh (du lịch, nông nghiệp và chế biến). Tuy nhiên, để phát triển bứt phá, tỉnh cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng số, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao trong các lĩnh vực mũi nhọn.
“FPT là DN công nghệ số Việt Nam tiêu biểu, hàng đầu của cả nước. Vì vậy, sự hợp tác giữa Bình Định và Tập đoàn FPT là bước đi chiến lược quan trọng, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh, sớm đưa Bình Định trở thành một trong các trung tâm công nghệ số của đất nước”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương kỳ vọng
Sau khi nội dung quy hoạch của tỉnh được phê duyệt, tỉnh xác định các cánh cửa lần lượt được mở ra cho Bình Định phát triển, chính là phát triển AI, bán dẫn, an ninh mạng và nguồn nhân lực công nghệ. FPT là đơn vị tiên phong mở cánh cửa đột phá trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh. Xác định đây là con đường đầy chông gai, cả hệ thống chính trị của tỉnh cần vào cuộc với quyết tâm lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đồng thời mong muốn Bộ TT&TT bên cạnh việc xây dựng chính sách chung, cũng thấy được sự quyết tâm của tỉnh trong việc bứt phá ở một lĩnh vực rất khó khăn, giúp Bình Định có những cơ chế, chính sách và điều kiện tốt nhất để phát triển AI, bán dẫn và an ninh mạng - ngành nghề rất quan trọng của hiện tại và tương lai.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, bày tỏ tin tưởng Bình Định sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm AI, bán dẫn, an ninh mạng của khu vực và thậm chí là trên thế giới. Theo ông Bình, hiện Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI của FPT tại Bình Định đang triển khai các dự án có giá trị triệu USD cho khách hàng Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Để làm được điều này, cái gốc là giáo dục, đào tạo. Tập đoàn sẽ song hành cùng Bình Định đào tạo, phát triển nguồn nhân lực AI và thu hút các chuyên gia AI hàng đầu của Việt Nam, của thế giới về với Bình Định.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, sáng cùng ngày (18.8), Liên danh FPT Quy Nhơn (Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng, Công ty TNHH Đầu tư FPT, Công ty TNHH Phần mềm FPT) cùng UBND tỉnh tổ chức Lễ động thổ khởi công Dự án Trung tâm AI - Đô thị phụ trợ tại Bình Định (thuộc phường Trần Quang Diệu và phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn).
UBND tỉnh, Tập đoàn FPT và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân
ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn,
AI và an ninh mạng của tỉnh giai đoạn 2025 - 2030.
Ảnh: TRỌNG LỢI
Dự án có quy mô hơn 93,2 ha, tổng vốn đầu tư 4.362 tỷ đồng, gồm 3 phân khu chức năng chính: Trung tâm AI, khu giáo dục và đào tạo, khu đô thị phụ trợ. Trong đó, Trung tâm AI là nơi nghiên cứu, đào tạo, sản xuất phần mềm, hỗ trợ chuyển đổi số, cung cấp giải pháp an ninh mạng, an ninh xã hội... Khu đô thị phụ trợ đảm bảo cung cấp các tiện ích thiết yếu theo đặc thù khu đô thị AI, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về Bình Định.
Phát biểu tại lễ khởi công Dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Dự án này là minh chứng cho sự quyết tâm của tỉnh trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp với các định hướng tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần tăng nhanh tiềm lực KHCN của tỉnh, nhất là lĩnh vực AI, internet vạn vật, dữ liệu lớn. Đây là động lực chính, khởi nguồn để thúc đẩy phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Chương trình hành động số 10 của tỉnh, giúp Bình Định đạt được mục tiêu trên và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư công nghệ trong và ngoài nước…
Để biến mục tiêu thành kết quả cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị chính quyền, sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ, đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN công nghệ đầu tư, hoạt động và phát triển tại tỉnh. Thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các công nghệ mới, đặc biệt là AI vào các lĩnh vực KT-XH của tỉnh, từ quản lý đô thị thông minh, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao đến y tế và giáo dục. Chú trọng đến việc đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực chuyên môn cao trong lĩnh vực này, đảm bảo sẵn sàng cho các dự án đầu tư lớn trong tương lai. Xây dựng cơ chế bảo mật thông tin hiệu quả, tăng cường triển khai các giải pháp về an ninh mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, trong đó tập trung vào việc phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ môi trường và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống.
******
Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và Tập đoàn FPT đã ký kết Thỏa thuận hợp tác xây dựng, phát triển ngành AI, bán dẫn và an ninh mạng tại tỉnh Bình Định giai đoạn 2025 - 2030.
Theo đó, ba bên cùng huy động nguồn lực xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2025 - 2030; phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển… ngành AI, bán dẫn và an ninh mạng, góp phần giúp Bình Định đạt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn, AI, an ninh mạng, nhân lực chất lượng cao…