Sáng ngày 17/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển". Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương; các Hiệp hội doanh nghiệp và 350 doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Hội nghị thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 80 điểm cầu tại các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các nước trên thế giới. Tham dự tại điểm cầu Bình Định có đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan và doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh gồm Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn (Nhật Bản), Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định (Nhật Bản), Công ty TNHH Kurz Việt Nam (Đức), Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam (Israel).
Hội nghị tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố
Tại Hội nghị các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu về "Bối cảnh quốc tế và trong nước: Cơ hội và thách thức - Giải pháp nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới". Phát biểu của các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (JETRO); Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM); Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AMCHAM); Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EUROCHAM), Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore (SBG) về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; phát biểu của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm Tổ chức tài chính HSBC, DELL, BOEING, BOSCH, PANASONIC, META, ORSTED nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để đầu tư/mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực liên quan tới các nhóm: Điện và năng lượng; Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp; Thị trường vốn; Môi trường; Khoáng sản; Đầu tư và Thương mại; Thuế và Hải quan tại Việt Nam. Đại diện các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bày tỏ sự vui mừng, trân trọng sự quan tâm và những chính sách kịp thời của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình hợp tác, phát triển. Đánh giá Việt Nam là một thị trường mới nổi trên trường quốc tế và đang rất được chú ý, vì vậy cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ đây là cơ hội, mở ra triển vọng cho bức tranh kinh tế Việt Nam thời gian tới. Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, trách nhiệm, mong muốn cùng hợp tác phát triển bền vững, các đại biểu đã trao đổi và làm rõ thêm những cơ hội, thách thức và giải pháp nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới. Các doanh nghiệp cũng mong muốn có sự nhất quán trong môi trường đầu tư kinh doanh từ Chính phủ và các cơ quan chức năng. Theo đó cần thúc đẩy trao đổi thường xuyên, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp FDI để làm rõ quy định, chính sách liên quan đến dòng vốn, tài trợ, các ưu đãi cụ thể. Bên cạnh đó, một số địa phương có tham luận về thực thi chính sách và chuẩn bị điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành phía Việt Nam cũng đã có những ý kiến phản hồi và trao đổi cụ thể, chi tiết, qua đó làm rõ hơn các nội dung mà các bên cùng quan tâm.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự chung tay, đồng hành, đóng góp, chia sẻ và nỗ lực của các nhà đầu tư nước ngoài trong công tác phòng, chống dịch, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, góp phần cùng Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương quán triệt nghiêm túc, triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực"; rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Có kế hoạch kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh. Rà soát, đánh giá và chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới, nhất là các dự án có tính lan tỏa cao. Nghiên cứu tạo hành lang pháp lý đối với các hình thức, phương thức đầu tư mới, hợp tác công - tư để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với các hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam; phục hồi sản xuất kinh doanh, tiến tới mở rộng đầu tư; chia sẻ, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, thách thức của Việt Nam là một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên đầu tư với lợi ích nhà nước và nhân dân trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Nghiêm túc tuân thủ luật pháp, điều kiện phát triển bền vững và các quy định về an ninh - quốc phòng. Đề cao trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường; chú trọng tạo việc làm, sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người lao động; làm tốt công tác an sinh xã hội. Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng, áp dụng những mô hình quản lý mới, thực hiện đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh, công nghệ xanh và phát triển bền vững. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển; đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề mới có giá trị gia tăng cao; công nghệ kỹ thuật, khoa học hiện đại./.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định