Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm tại Phiên tổng thể
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định các địa phương cam kết luôn đồng hành, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung, vì sự phát triển của doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực Nam Trung Bộ, cũng như quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Ấn Độ; đồng thời mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp của Ấn Độ và các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định tiếp tục giao lưu, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Hội nghị này.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan lần lượt có bài phát biểu chào mừng và thảo luận, trao đổi về tiềm năng hợp tác, đầu tư thuộc các lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, công nghệ thông tin, du lịch, giáo dục, y tế. Theo đó, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải (phát biểu trực tuyến) cho biết các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, và Bình Định có rất nhiều cơ hội để hợp tác với doanh nghiệp Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực. Hy vọng qua hội nghị này, các doanh nhân Ấn Độ có nhiều thông tin và tìm được cơ hội hợp tác thực sự với doanh nghiệp các tỉnh.
Cũng tại hội nghị, ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, Việt Nam nói chung và các tỉnh Nam Trung Bộ nói riêng là những đối tác quan trọng trong định hướng hợp tác phát triển của Ấn Độ với nhiều tiềm năng để hợp tác, nhất là các sản phẩm nông sản, du lịch, y tế, điện tử, công nghệ thông tin, giáo dục… Trong khi đó, Ấn Độ có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, kinh doanh cùng với chất lượng lao động cao, chi phí nhân công có sức cạnh tranh lớn nên sẽ là môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Madan Mohan Sethi cũng cam kết Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thêm nhiều sự kiện để tăng cường tìm hiểu, hợp tác giữa Ấn Độ với các tỉnh Nam Trung Bộ; tăng cường quảng bá văn hóa, du lịch của các địa phương đến người dân Ấn Độ… Hội nghị cũng nghe các bài phát biểu của ông Satyam Roychowdhury, Chủ tịch Ủy ban Phòng Thương mại Bắc Ấn Độ (ICC); bà Simrin Bakshi, Chủ tịch Ủy ban giáo dục khu vực phía Bắc –ICC, ông Debmalya Banerjee, Giám đốc vùng ICC Ấn Độ.
Cũng trong khuôn khổ của hội nghị, các đơn vị, doanh nghiệp của các tỉnh Nam Trung Bộ tổ chức khoảng 20 gian hàng giới thiệu về những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Chiều cùng ngày, đại diện lãnh đạo các Sở Công Thương, Sở Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Ngoại vụ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư- Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng một số doanh nghiệp của tỉnh Bình Định (Công ty CP Becamex Bình Định, Công ty CP - Tổng Công ty Đầu tư phát triển KCN Phúc Lộc, Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế Golden Life, Khách sạn Mường Thanh Quy Nhơn, Anantara Quy Nhơn Villas, FLC Quy Nhơn Golf & Resort) đã dự phiên gặp gỡ trực tiếp B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) ở 6 lĩnh vực: thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, công nghệ thông tin và y tế nhằm thông tin về tiềm năng, thế mạnh của mình để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong thời gian tới với doanh nghiệp Ấn Độ.
Được biết, Hội nghị lần này nhằm thực hiện có hiệu quả Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng đã được Thủ tướng hai nước thông qua vào ngày 21/2/2020 và đẩy mạnh xúc tiến hợp tác với Ấn Độ năm 2023. Trong năm 2022, Việt Nam và Ấn Độ đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Từ cột mốc này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra tầm nhìn để tiếp tục đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ lên một tầm cao mới trong thời gian tiếp theo. Cả hai nước đều nhìn nhận hợp tác về kinh tế - thương mại là một trụ cột quan trọng và còn rất nhiều dư địa phát triển./.