Tối ngày 04/12/2022, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình múa cổ điển Ấn Độ - một trong những sự kiện văn hóa ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (1972 - 2022). Tham dự Chương trình có ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh. Về phía Ấn Độ, có ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh; T.S Sonal Mansingh - Trưởng đoàn nghệ sĩ múa cổ điển Ấn Độ, cùng các thành viên đoàn.
Tại chương trình biểu diễn, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi khẳng định Ấn Độ và Việt Nam đã có mối quan hệ hữu nghị từ lâu. Năm 2022, hai nước Ấn Độ và Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa quan trọng nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đồng thời, ông Tổng Lãnh sự cho biết hiện nay có nhiều nhà đầu tư Ấn Độ đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam và tin tưởng rằng hai nước sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, phát triển trong tương lai. Đối với chương trình múa cổ điển Ấn Độ tại tỉnh Bình Định lần này là sự kiện văn hóa nhằm giới thiệu, quảng bá về những nét văn hóa đặc sắc của nghệ thuật truyền thống Ấn Độ, tăng cường giao lưu, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh: Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam và Ấn Độ bắt nguồn từ sự giao thoa về văn hóa, tôn giáo và giao thương giữa người dân hai nước. Hai đất nước đã chia sẻ rất nhiều giá trị chung về văn hoá, đặc biệt là lòng yêu nước, nhân văn, yêu chuộng hòa bình ngày càng được gắn kết chặt chẽ bởi lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong suốt 50 năm qua, hai nước đã tích cực ủng hộ lẫn nhau trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Ấn Độ luôn là người bạn tin cậy, gắn bó và thủy chung, hết lòng hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách. Đặc biệt, kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, hợp tác giữa hai nước ngày càng thực chất và phát huy hiệu quả. Trên cơ sở đó, quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bình Định với chính quyền và các đối tác Ấn Độ đã đạt được một số kết quả nhất định. Thời gian tới, tỉnh Bình Định mong muốn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh quan tâm, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hoá, đối ngoại nhân dân, kết nối cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa Bình Định với các đối tác Ấn Độ, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ lên một tầm cao mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang tặng hoa Đoàn nghệ sĩ múa cổ điển Ấn Độ
Chương trình múa cổ điển Ấn Độ tại tỉnh Bình Định do T.S Sonal Mansingh biên đạo. Bà là nhà quản lý hoạt động nghệ thuật, một trong những vũ công độc đáo nhất, thông thạo nhiều hình thức múa cổ điển của các vùng khác nhau ở Ấn Độ, người đã biểu diễn, thuyết trình và thực hiện các hội thảo ở 90 quốc gia trên thế giới; một học giả vĩ đại, từng nhận giải thưởng Padma Bhushan (1992) và Padman Vibhushan (2003) từ Tổng thống Ấn Độ; là một đại biểu của Thượng Nghị viện Ấn Độ. Chương trình gồm các tiết mục: Múa Krishna-Kaaliya và múa Vande Mataram, Trong đó, tiết mục múa Krishna-Kaaliya thuật lại cảnh thần Krishna đối đầu với vua rắn hổ mang hiểm độc Kaaliya - đã đầu độc dòng sông Yamuna nổi tiếng của Ấn Độ, giết chết tất cả sinh vật sống của dòng sông và đe dọa cả sự sống của nhân loại. Cuối cùng thần Krishna đã chiến thắng vua rắn hổ mang. Câu chuyện truyền đi thông điệp mỗi người chúng ta cần có ý thức gìn giữ nguồn nước trong lành trên khắp thế giới. Tiết mục múa Vande Mataram hay lời chào Tổ quốc Đất mẹ Ấn Độ - (Bharatmata) có nội dung ca ngợi tình yêu đất nước Ấn Độ.
Nghệ sĩ múa cổ điển Ấn Độ biểu diễn tiết mục múa Vande Mataram
Trong khuôn khổ chương trình biểu diễn, nhằm giới thiệu đến những người bạn Ấn Độ về những nét văn hóa phong phú, đặc sắc của nghệ thuật truyền thống của vùng đất, con người Bình Định tươi đẹp, hiền hoà và mến khách, các nghệ sỹ tỉnh Bình Định đã biểu diễn các tiết mục: Múa Chăm “Hồn Tháp”; biểu diễn võ thuật cổ truyền Bình Định “Tây Sơn - bước chân hào kiệt” và múa “Trình tường khánh chúc”, góp phần giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ và đóng góp và sự thành công của sự kiện văn hóa đầy ý nghĩa này./.