Năm 2019, UBND tỉnh và TP Izumisano đã ký kết thỏa thuận thiết lập mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện vì sự hiểu biết lẫn nhau, vì tình hữu nghị và thịnh vượng chung. Theo văn bản ký kết, hai bên cùng nỗ lực vì sự phát triển giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực hành chính, văn hóa, du lịch, đào tạo, kinh tế và các lĩnh vực khác dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Hai bên tăng cường làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau, vì tình hữu nghị và thịnh vượng… Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các hoạt động giao lưu trực tiếp, thăm hỏi giữa hai bên gặp nhiều khó khăn.
Cuối năm 2022, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động giao lưu, hợp tác, hữu nghị dần được nối lại. Theo đó, chính quyền hai bên thống nhất triển khai một số hoạt động hữu nghị trong thời gian tới, như: Phái cử cán bộ của thành phố Izumisano đến công tác tại Bình Định; Giao lưu tranh vẽ thiếu nhi cấp tiểu học; Giao lưu thể thao hữu nghị… Việc vận động viên tỉnh Bình Định tham dự Ðại hội Marathon quốc tế KIX Senshu là một trong số các hoạt động đó.
Khu vực Senshu bao gồm 9 thành phố và 4 thị trấn ở phía nam tỉnh Osaka, Nhật Bản. Đại hội Marathon quốc tế Senshu lần đầu tiên được tổ chức để kỷ niệm việc khai trương Sân bay Quốc tế Kansai vào năm 1994. Toàn bộ cuộc đua marathon bắt đầu ở Công viên Hamadera, đi vào Sakai và sau đó đến Công viên Rinku ở thành phố Izumisano. Đại hội năm nay thu hút hơn 5.000 vận động viên tham gia, trong đó có một số vận động viên khách mời là tỉnh kết nghĩa với TP Izumisano đến từ Trung Quốc, Mông Cổ, Uganda, Brazil và Việt Nam. Các vận động viên thi đấu 2 nội dung: Marathon (42,195 km) và Challenge run (20,4 km).
Phạm Thị Học (ở giữa) và vận động viên các nước tại Đại hội marathon
Vận động viên nghiệp dư của tỉnh Bình Định cử tham dự, Phạm Thị Học (hiện công tác tại Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quy Nhơn) đã từng vô địch cự ly 10 km nữ phong trào tại Giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài Báo Tiền phong tổ chức ở Côn Đảo năm 2022. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên cô tham dự cự ly marathon nên đã phải dành khá nhiều thời gian để tập luyện thêm. Cô cũng cho biết đã được người thân, bạn bè, lãnh đạo cơ quan động viên rất nhiều trước khi sang Nhật Bản , đại diện cho tỉnh Bình Định thi đấu lần này.
Phạm Thị Học và Ông Chiyomatsu Hiroyasu, Thị trưởng thành phố Izumisano
Việc phải thi đấu dưới thời tiết thường xuyên ở mức chỉ 4 độ C và công tác kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt gây ra không ít khó khăn cho Phạm Thị Học. Tuy nhiên, bằng nỗ lực, cô đã hoàn thành cự ly đăng ký sau 4 giờ 15 phút. Cô cho biết: “Công tác tổ chức giải khá tốt, với lực lượng tình nguyện viên chuyên nghiệp, đặc biệt, người dân tại đây rất yêu thể thao nên đổ ra hai bên đường cổ vũ rất nhiệt tình. Nhiều em học sinh nhảy múa cổ động, tiếng trống rộn ràng tạo sự hào hứng cho VĐV. Trên đường chạy, tôi còn nghe tiếng cổ vũ “Xin chào, cố lên” bằng chính tiếng Việt, giúp xua tan mệt mỏi để tiếp tục chinh phục chặng đường còn lại. Ngoài tham gia giải chạy, tôi còn được tìm hiểu, làm quen với văn hóa Nhật Bản như uống trà, mặc kimono, nghe đàn… Đây là những trải nghiệm đặc biệt và khó quên trong cuộc đời của tôi”.
Phạm Thị Học tham gia các hoạt động bên lề Đại hội marathon
Dự kiến, cuối tháng 3, đội bóng chuyền giao hữu thiện chí của thành phố Izumisano sẽ đến tỉnh Bình Định giao lưu, tiếp tục cho chuỗi các hoạt động nhân nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản ở cả tỉnh Bình Định và các đối tác Nhật Bản.