Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Võ Thị Như Hiền cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai nghiêm túc các quy định của Trung ương có liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài; các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh phối hợp thường xuyên, hiệu quả thông qua các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân của họ trong công tác bảo hộ công dân cũng như các hoạt động tại tỉnh; Sở Ngoại vụ đã kịp thời phối hợp với cơ quan trong nước và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các biện pháp để công dân Bình Định được hưởng các quyền, lợi ích theo pháp luật nước sở tại, các điều ước mà Việt Nam đã ký kết với nước ngoài hoặc tham gia theo tập quán quốc tế.
Quang cảnh buổi làm việc
Phần đông người Bình Định đang định cư ở nước ngoài có cuộc sống ổn định, tôn trọng pháp luật, phong tục tập quán của quốc gia, lãnh thổ sở tại; trong đó, có một số kiều bào Bình Định ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế, quan hệ với nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài và quốc tế, có khả năng tìm kiếm đối tác và làm cầu nối với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước. Riêng từ năm 2020 đến tháng 6/2023, tổng số lao động của tỉnh làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 2.263 người, chia theo thị trường: Nhật Bản 2.113 người; Hàn Quốc 16 người; Đài Loan 78 người; các nước khác 56 người. Lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về cơ bản chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại, tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán của các nước. Hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp người lao động của tỉnh vi phạm pháp luật bị xử lý dẫn độ về nước.
Hằng năm, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức các buổi tiếp xúc, gặp gỡ kiều bào về nước, thăm người thân trong dịp tết cổ truyền, qua đó cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, đất nước, các chính sách ưu đãi đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, vận động tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời phát hiện số người Việt Nam ở nước ngoài bị các thế lực thù địch móc nối, lôi kéo để kịp thời ngăn chặn, đấu tranh với các hoạt động xâm hại an ninh quốc gia, tránh bị động, bất ngờ.
Về nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Phúc cho biết, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong lĩnh vực phát triển thủy sản của tỉnh. Bình Định đã tổ chức 14 đợt kiểm tra thực tế công tác triển khai thực hiện tại các địa phương ven biển; đã thành lập Đoàn công tác liên ngành để phối hợp giải quyết tình trạng tàu cá vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm khai thác IUU, yêu cầu bắt buộc chủ tàu, thuyền trưởng phải ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài... Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, tình hình về ngư dân và tàu cá của Bình Định bị nước ngoài bắt giữ đã có xu hướng giảm.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật hiện hành đối với người Việt Nam ở nước ngoài và giải pháp ngăn chặn tàu cá, ngư dân đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh thông tin làm rõ thêm những kết quả đạt được cũng như các khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài và việc thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ địa phương thực hiện hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài và khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài và các biện pháp quyết liệt trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, hướng đến phát triển nghề cá bền vững. Đồng thời, ghi nhận các kiến nghị của tỉnh và sẽ tổng hợp các đề xuất để báo cáo Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ các địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài và khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến (thứ 3 từ trái qua) và
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh (thứ 2 từ phải qua) trò chuyện với
các ngư dân từng đánh bắt cá bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xử phạt.
Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát đã gặp gỡ, thăm hỏi một số chủ tàu, ngư dân thuộc đối tượng được bảo hộ công dân tại thị trấn Cát Tiến (Phù Cát), đánh bắt cá bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xử phạt và khảo sát thực tế tại Cảng cá Đề Gi./.