Hội nghị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)

Thứ năm - 27/04/2023 16:30
Sáng ngày 21/4, tại TP. Quy Nhơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PNT) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách chống khai thác IUU và chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) lần thứ 4. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, các sở ngành liên quan của 28 tỉnh thành ven biển cả nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách chống khai thác IUU tại Bình Định

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết thời gian qua tỉnh Bình Định đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); đặc biệt là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đầu năm 2023 đến nay, Bình Định có 3 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, các tàu cá này hầu hết đều làm thủ tục xuất bến ở ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, việc phân định ranh giới trên biển giữa các nước trong khu vực, đặc biệt ở vùng biển phía Nam của Việt Nam chưa rõ ràng nên có trường hợp tàu khai thác hải sản ở vùng chồng lấn, vùng đang có tranh chấp đã bị lực lượng tuần tra nước ngoài bắt giữ, đưa về nước họ để xử lý. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Bình Định tập trung nguồn lực đảm bảo ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác; kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn nhân lực và các nguồn lực vật chất khác cho các Ban Quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư, Thanh tra. Tập trung củng cố lực lượng có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm khai thác bất hợp pháp, theo đúng quy định của pháp luật.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU mong muốn các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được và tháo gỡ những tồn tại, khó khăn; xác định và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách chống khai thác IUU trong thời gian tới và chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, đối với việc xử lý chống khai thác IUU, cần tập trung xử lý nghiêm, giải quyết dứt điểm. Thời gian tới, các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển tập trung vào 6 nội dung quan trọng: Công tác truyền thông, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quản lý đội tàu và giám sát đội tàu, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm hành chính và hợp tác quốc tế. Sắp tới, Bộ NN&PTNT đưa thêm 6 thiết bị theo dõi nhằm xử lý những tàu cá vi phạm mất kết nối trong quá trình đánh bắt trên biển. Đối với việc giám sát đội tàu, hàng tuần các địa phương cập nhật danh sách tàu cá có nguy cơ cao trên hệ thống.

Tại hội nghị, các bộ, ngành và địa phương (Đại diện Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, tỉnh Hải phòng, tỉnh Khánh Hòa) đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc ngăn chặn vi phạm IUU. Đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp và kế hoạch chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra EC lần thứ 4.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện ngăn chặn vi phạm IUU thời gian qua. Kết quả cho thấy có chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình trạng vi phạm IUU vẫn còn diễn ra. Do đó tại buổi làm việc với Đoàn thanh tra sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ khẳng định vùng biển của Việt Nam rất rộng, vùng chồng lấn cần phải được xem xét lại. Vấn đề hiện nay cả nước vẫn chưa hoàn thành công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, việc quản lý đội tàu và giám sát đội tàu chưa hoàn thành. Việc giám sát sản lượng sản phẩm qua cảng chưa đảm bảo, khó truy xuất nguồn gốc, giám sát tàu và xử phạt tàu vi phạm. “Theo kế hoạch, dự kiến Đoàn Thanh tra EC sang Việt Nam từ ngày 23/5-31/5. Vì vậy, các địa phương tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; chuẩn bị đầy đủ, chi tiết kế hoạch làm việc với Đoàn Thanh tra EC. Tập trung vào công tác truyền thông, quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xử lý vi phạm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: N.Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây