Chính phủ luôn coi cải cách hành chính là nhiệm vụ đột phá chiến lược; thường xuyên

Thứ năm - 20/04/2023 07:21
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi cải cách hành chính là nhiệm vụ đột phá chiến lược; thường xuyên chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện, trong đó có cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số.
 
ac

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ,
chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo

Ngày 19/4,  tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp tập trung vào chủ đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cũng tại phiên họp, các cơ quan đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).

Cùng tham dự phiên họp có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương có lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, được Đảng xác định từ Đại hội XIII và Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai. Chúng ta xác định, đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển.

Thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên cả 6 nội dung (công tác xây dựng pháp luật; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số).

Thủ tướng đánh giá, chúng ta đã đạt được những bước tiến quan trọng, những kết quả tích cực, khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Đặc biệt gần đây, công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, xây dựng các cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều "điểm nghẽn", nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; một số bộ, ngành phản ứng chính sách còn chậm, một bộ phận cán bộ, công chức xử lý văn bản, công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và doanh nghiệp, việc huy động các nguồn lực phát triển.

Phiên họp sẽ tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp và đề ra giải pháp khắc phục những điểm nghẽn, ách tắc trong tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, đánh giá khái quát kết quả cải cách hành chính nói chung và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thúc đẩy công tác này trong thời gian tới.

"Phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt; giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp kịp thời, không phiền hà, sách nhiễu, không ảnh hưởng tới huy động nguồn lực và nhất là khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Với tinh thần đổi mới và ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao, Thủ tướng đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc cải cách hành chính của đất nước, của bộ, ngành mình. Từ đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp nói riêng với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả theo phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết kỷ cương; bản lĩnh linh hoạt; chủ động sáng tạo; kịp thời hiệu quả".

Theo báo cáo, đến nay, có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung vào chủ đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cũng tại phiên họp, các cơ quan đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).

The Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp với nguyên tắc "Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy". Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược, chương trình về cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Báo cáo nhấn mạnh một số kết quả nổi bật về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số; về chuyển đổi số trong thực hiện TTHC; về phân cấp trong giải quyết TTHC, đơn giản hóa TTHC nội bộ.

Trong đó, về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, các quy định kinh doanh đã được thống kê, hệ thống hóa tập trung trên môi trường điện tử, tạo lập cơ sở dữ liệu quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (gọi tắt là quy định kinh doanh). Đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định về kinh doanh, gần 150 quy định chuẩn bị ban hành và cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Đồng thời, các bộ, ngành đã tích cực triển khai việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10, bộ, cơ quan, theo đó phải sửa đổi, bổ sung 197 văn bản QPPL, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 396 quy định kinh doanh tại 54 văn bản QPPL. Một số bộ, cơ quan thực hiện tốt như: Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế, Thông tin và Truyền thông...

Về thiết lập kênh tương tác 2 chiều và tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, đến nay, đã có 153 quy định kinh doanh dự kiến ban hành tại 29 dự thảo văn bản QPPL và 50 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh được lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp.

Hơn 30 hiệp hội doanh nghiệp đã đăng ký tài khoản, gửi ý kiến góp ý đối với các dự thảo văn bản QPPL, phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh tới các bộ, ngành. Một số bộ, ngành tích cực tham vấn trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước…

Về chuyển đổi số trong thực hiện TTHC, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được đẩy mạnh.  Đến nay, có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, tăng 4 lần so với tháng 9/2022. Một số bộ, địa phương đã triển khai tốt công tác này như: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Lâm Đồng…

Đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến... Đến nay, đã có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia… Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6 triệu tài khoản đăng ký, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022; hơn 186 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022; hơn 12,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022; hơn 7,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành theo cơ chế một cửa với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia. Kết quả này có sự đóng góp, tổ chức triển khai tích cực, hiệu quả của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Việc thí điểm 2 dịch vụ công liên thông "đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" và "đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí" được tích cực triển khai tại 2 địa phương (Hà Nội và Hà Nam). Văn phòng Chính phủ đã ban hành quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm dịch vụ công liên thông để triển khai thống nhất trên toàn quốc.

TTHC đã được công khai, minh bạch; tạo thuận lợi cho người dân giám sát. Đến nay, đã công khai hơn 6.400 TTHC. Nhiều bộ, ngành, địa phương định kỳ háng tháng công khai danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm muộn trong giải quyết TTHC, dịch vụ công, 100% hồ sơ TTHC để chậm, muộn có báo cáo giải trình với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện xin lỗi người dân.
 
 
ac

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi cải cách hành chính là nhiệm vụ đột phá chiến lược; thường xuyên chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện, trong đó có cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số.

Nhờ đó, nhận thức và hành động về cải cách hành chính tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu. Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt phương châm: Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; lấy con người là trung tâm; cải cách đóng vai trò dẫn dắt; công nghệ hỗ trợ, thúc đẩy.

Theo Thủ tướng, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số được đẩy mạnh: Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2,2 nghìn quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1,1 nghìn quy định của 10 bộ, cơ quan. Các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17,8 nghìn quy định kinh doanh.

Chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cải thiện. Theo đó, đã cung cấp hơn 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cổng Thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Đề án 06 được chỉ đạo, triển khai quyết liệt: đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 3 doanh nghiệp viễn thông và điện lực bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống". Việc xử lý tình trạng SIM rác đang được thực hiện quyết liệt.

Thủ tướng cho biết, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính được quan tâm, chỉ đạo; việc gửi, nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử và chuẩn hóa báo cáo được đẩy mạnh. Năm 2022, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) đạt trên 80%.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế trong việc cải cách hành chính như: tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, nhiều rào cản, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm, thậm chí một số bộ chưa trình phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; chưa huy động được sự tham gia tích cực của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp (chiếm 57,8%), tỷ lệ hồ sơ xử lý quá hạn còn cao (gần 34%). Số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính còn chậm. Công tác chỉ đạo, điều hành phần lớn vẫn theo phương thức thủ công. Các hệ thống công nghệ thông tin chưa được liên kết đồng bộ, hiệu quả; xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại một số bộ, ngành, địa phương còn chưa tốt, tỷ lệ thấp. Nhân lực cho giải quyết thủ tục hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều "điểm nghẽn" trong Đề án 06 vẫn chưa được các bộ, ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, chỉ số SIPAS và Chỉ số PAR INDEX năm 2022 thấp hơn so với năm 2021. Cụ thể, chỉ số SIPAS năm 2022 là 80, 08% so với 87, 16% của năm 2021; chỉ số PAR INDEX năm 2022 của 17 bộ, cơ quan ngang bộ là 84, 05% so với 86, 07% năm 2021 và của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 84, 79% so với 86,37% của năm 2021.

Cùng với chỉ ra một số nguyên nhân khách quan của tồn tại, hạn chế như do có thay đổi về nội dung, phương pháp đo lường, Thủ tướng khẳng định, nguyên nhân chủ quan là chính, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, tinh thần trách nhiệm, việc thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, kịp thời. Các hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính chưa có sự chuẩn hóa, thống nhất về dữ liệu. Hạ tầng số, trang thiết bị còn hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư kịp thời...

"Bài học để có những tiến bộ, cũng như hạn chế, yếu kém trong cải cách hành chính nói chung và thủ tục hành chính nói riêng chính là vai trò, tầm quan trọng của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, hiệu quả", Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển; các cấp, các ngành phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; yêu cầu chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ, ngành, cơ quan, giữa Trung ương với địa phương; dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền; phản ứng chính sách, xử lý các vướng mắc về thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa; khắc phục bằng được tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, cùng với đó khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhiệm vụ chung.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ đạo tiếp tục tham mưu, chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác cải cách hành chính tại bộ, ngành mình theo kế hoạch năm 2023 của Ban Chỉ đạo.

Các bộ, ngành khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, trong đó ưu tiên áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn; thực hiện tham vấn, tương tác với các hiệp hội, doanh nghiệp đối với các quy định trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành đẩy nhanh việc rà soát, thực thi 19 Nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, hoàn thành trong tháng 6 năm 2023. Khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, hoàn thành trong tháng 5 năm 2023; phối hợp với xây dựng Khung Bộ chỉ số điều hành phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền cấp tỉnh; kết nối, tích hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

"Khẩn trương đề xuất đầu tư hạ tầng số Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong tháng 5 năm 2023", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở, căn cứ vào kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, Chỉ số cải cách hành chính năm 2022, các bộ, ngành, địa phương xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; có giải pháp khắc phục hiệu quả; đẩy nhanh tốc độ cải cách hành chính, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của từng cơ quan, đơn vị.

Theo đó, đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về phòng cháy, chữa cháy, đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng, giao đất, giao rừng… để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, phấn đấu hoàn thành trong tháng 9/2023; có các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.

Riêng đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng yêu cầu trình Hội đồng nhân dân ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện; xây dựng quy trình, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp, nhất là cấp xã; tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu một số chỉ tiêu cụ thể như: Nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, đến năm 2025 đạt trên 95%, ngay trong năm 2023 đạt trên 85%; tỷ lệ giải quyết đúng hạn tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%; đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình phải đạt 50%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao từng việc cụ thể cho các bộ, ngành. Trong đó, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ chủ trì đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình, kết quả triển khai cải cách hành chính. Bộ Công an chủ trì trong việc đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Đề án 06 và Chỉ thị số 05/CT-TTg; đẩy nhanh tiến độ kiểm tra an toàn thông tin, an ninh mạng; khai thác nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC) trên toàn quốc. Bộ Thông tin và Truyền thông phải hoàn thành đánh giá tình hình nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng số của các bộ, ngành, địa phương; chỉ đạo việc mở rộng dung lượng băng thông đường truyền, xóa vùng lõm sóng di động, cung cấp dịch vụ Internet chất lượng cao cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong triển khai Đề án 06, trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế số, xã hội số và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh đơn giản hóa quy định kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt thúc đẩy hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng tin tưởng sau cuộc họp này, các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thực chất, hiệu quả gắn với chuyển đổi số, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội năm 2023 và các mục tiêu khác mà Đảng, Quốc hội giao, nhân dân mong đợi./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây