Hội thảo năm nay dự kiến quy tụ khoảng 250 đại biểu, bao gồm các diễn giả, học giả quốc tế và Việt Nam có uy tín, ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới. Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội theo hình thức nửa trực tiếp, nửa trực tuyến do nhiều học giả quen thuộc về vấn đề Biển Đông không thể tới Việt Nam tham dự trực tiếp vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
Với chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong môi trường có nhiều biến động”, Hội thảo Biển Đông lần thứ 12 thể hiện mong muốn của Việt Nam duy trì hợp tác, đối thoại để duy trì hòa bình Biển Đông trong bối cảnh thế giới đầy thiên biến, khó lường như hiện nay.
Hội thảo bao gồm 8 phiên lớn và 1 phiên đặc biệt với loạt chủ đề: Đánh giá chung tình hình Biển Đông trong tình hình thế giới biến động; Đánh giá vai trò của ASEAN với tầm nhìn sau năm 2025; Cuộc tranh luận Công hàm; Cuộc canh tranh về các câu chuyện kể về Biển Đông và vai trò của báo chí; Làm thế nào để xây dựng các quy tắc ứng xử để tránh va chạm tại Biển Đông; Cá, nghề cá và bảo vệ tài nguyên cá; Nghiên cứu khoa học biển; và Phát triển tài nguyên biển bền vững.
Năm nay, hội thảo có thêm một phiên đặc biệt dành riêng cho các nhà lãnh đạo trẻ nhằm nuôi dưỡng, kết nối thế hệ tương lai để góp phần thúc đẩy trật tự pháp lý, duy trì hòa bình và hợp tác trên biển trong tương lai.