Những nỗ lực cố gắng của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bình Định trong công tác tuyên truyền, quản lý biển đảo và hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển

Thứ hai - 19/07/2021 16:55
Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Bình Định có 134,5km bờ biển và 36.000 km² diện tích vùng lãnh hải, là tỉnh có thế mạnh về biển, đặc biệt trong khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 5.952 tàu cá đăng ký, với 41.888 lao động tham gia sản xuất. Đến nay, 100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên của tỉnh tham gia hoạt động khai thác ở vùng khơi xa đã được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức trực hệ thống Trạm bờ 24/24 để theo dõi, tiếp nhận thông tin, phát hiện và phối hợp xử lý tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.

Đối với các tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, tỉnh đã chỉ đạo tiến hành thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản của tất cả các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt; gửi văn bản đề nghị Tổng cục Thủy sản đăng công khai trên website về danh sách các tàu khai thác bất hợp pháp (IUU). Đồng thời, ra quyết định loại khỏi danh sách hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các tàu cá có đăng ký khai thác trên vùng biển xa; đồng thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm chủ tàu, thuyền trưởng các tàu cá vi phạm; Kiểm điểm trách nhiệm của Lãnh đạo UBND xã, UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý có tàu cá vi phạm, bị nước ngoài bắt; Xử lý nghiêm tất cả các tàu cá bị nước ngoài bắt giữ khi trở về địa phương theo quy định. Do đó, trong 06 tháng đầu năm 2021, chỉ có 01 trường hợp tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài bị bắt giữ và đã xử phạt với số tiền 900 triệu đồng, giảm khá nhiều so với số tàu cá của tỉnh, nhưng trong quá trình đánh bắt không trở về tỉnh, chủ yếu xuất bến ở tỉnh ngoài. Riêng đối với các tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, sau khi cập nhật được thông tin, Sở Ngoại vụ đã kịp thời nắm tình hình, trao đổi qua gia đình, người thân, sau đó báo cáo Cục Lãnh sự và các cơ quan chức năng thuộc Bộ Ngoại giao quan tâm, can thiệp, thông qua Đại sứ quán và các cơ quan chức năng của nước sở tại tạo điều kiện giúp đỡ để các ngư dân được sớm trở về với gia đình.

Đối với công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, 06 tháng đầu năm 2021, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trên địa bàn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cấp 23.486 tờ rơi, 2.875 quyển sách pháp luật, 1024 đĩa đề án, 79 quyển sách giáo dục pháp luật; treo hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, pháp luật về biển; tổ chức các hội nghị hướng dẫn triển khai Luật Biên giới quốc gia, Nghị định số 71 của Chính phủ về “Quản lý hoạt động của người, phương tiện hoạt động trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, các văn bản quy định công tác ngoại giao, Luật Thủy sản, Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp; vận động ngư dân ký kết khai thác thủy sản không vi phạm vùng biển nước khác, đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới...

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nêu trên và thông qua các buổi sinh hoạt tổ tàu thuyền tự quản, tổ tàu thuyền đoàn kết đánh bắt xa bờ... nhiều cán bộ còn được phân công lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển cho ngư dân. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền pháp luật về hoạt động thủy sản; một số văn bản pháp luật liên quan về biển của Việt Nam và các nước trong khu vực; vận động ngư dân đánh bắt thủy, hải sản không vi phạm vùng biển nước khác... Nhờ đó nhận thức của nhiều ngư dân và gia đình đã không ngừng nâng lên, cam kết không vi phạm trong quá trình khai thác, đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài; đặc biệt đã có ngư dân tự nguyện, tự giác chuyển đổi nghề, hoặc chuyển sang ngư trường đánh bắt gần bờ nhằm góp phần khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về cảnh báo “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam./.

Tác giả bài viết: Hoài Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây