Họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định

Thứ tư - 14/07/2021 16:24
Sáng ngày 13/7, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tham dự cuộc họp có đại diện các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì cuộc họp cùng với sự tham dự của đại diện các sở: Tài chính, Ngoại vụ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Công an tỉnh, Bộ Đội biên phòng tỉnh và lãnh đạo UBND 5 huyện tuyến biển.
Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu Bình Định
Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu Bình Định
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã báo cáo tóm tắt kết quả triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy Ban Châu Âu. Theo đó, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam; khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng. Tính đến ngày 30/6/2021, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên có tín hiệu trên hệ thống giám sát hành trình là 26.915/30.778 tàu cá (đạt 87,45%) và đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định là 85.620/94.572 tàu (đạt 90,53%). Bên cạnh đó, công tác thực thi pháp luật trong xử phạt đối với hành vi khai thác IUU đã được chú trọng, đặc biệt là xử lý vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về thiết bị VMS. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống khai thác IUU; cơ quan quản lý tàu cá của các địa phương chưa thật sự nâng cao năng lực, công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật cho ngư dân còn nhiều bất cập. Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa -Vũng Tàu, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang vẫn chưa có chuyển biến; các tỉnh có tỉ lệ lắp đặt thiết bị VMS còn rất thấp như Thanh Hóa (đạt 46,90%), Quảng Trị (đạt 60,55%), Trà Vinh (đạt 65,53%), Quảng Ninh (đạt 65,50), Hà Tĩnh (65,69%)…

Phát biểu tại điểm cầu Bình Định, đồng chí Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng khai thác IUU tại Bình Định đã đạt được những kết quả tích cực. Từ cuối tháng 4/2020 đến nay toàn bộ tàu cá có chiều dài 15 mét trở lên hoạt động sản xuất vùng khơi của tỉnh đã lắp đặt thiết bị VMS theo quy định; công tác phối hợp triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, chủ yếu là các tàu cá hoạt động ở ngư trường phía Nam nhiều năm không về địa phương do các tàu cá này không trang bị thiết bị VMS hoặc mất tín hiệu kết nối. Qua đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề ra giải pháp khắc phục thời gian tới; đồng thời đề xuất, kiến nghị với Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh ven biển về việc hỗ trợ, phối hợp với tỉnh Bình Định trong công tác khắc phục, ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao các bộ, ngành và các địa phương đã nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Với mục tiêu đến cuối năm 2022 Việt Nam chấm dứt tình trạng tàu thuyền vi phạm vùng biển nước ngoài, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU đến ngư dân; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo phòng chống khai thác IUU một cách hiệu quả. Đối với 28 tỉnh, thành phố ven biển cần quan tâm đầu tư hạ tầng các cảng cá, thiết bị giám sát hành trình; kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định./.

Tác giả bài viết: Ngọc Duyên

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây